marque

*** Chào mừng bạn đang ghé thăm trang web An Phong An Bình***

Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Tô cháo huyết bà xẩm Đa Kao.

 

 

Tiểu Tử  

 

Xe cháo huyết của bà xẩm đó nằm trên vỉa hè phía đối diện với rạp hát Casino Đakao, gần trụ đèn xanh đèn đỏ. Thành ra khi đi về hướng Gia Định, gặp đèn đỏ, ngừng xe lại là thấy nó ngay ở bên tay mặt.

Hồi mới “giải phóng”, còn chút đỉnh tiền, chiều đi làm về tôi hay tấp vô đó “làm” một tô cháo huyết có kèm theo một dĩa giò-cháo-quẩy cắt khoanh. Không biết có phải tại vì buổi trưa ăn không đủ no thành ra chiều nghe đói sớm hay sao, mà lúc nào tôi cũng thấy cháo huyết của bà xẩm đó thật là ngon ! Cháo nấu nhừ, huyết cắt vuông thành từng miếng vừa vặn nhỏ để được nằm gọn trong lòng cái muỗng sành. Múc một muỗng vừa có cháo vừa có huyết đưa lên môi thổi cho bớt nóng trước khi cho vào miệng, mà nghe thơm phức làm chảy nước miếng. Còn giò-cháo-quẩy cho vào cháo, dù đã được cắt khoanh, nhưng vẫn giử nguyên cái giòn của nó. Cái “béo” của giò-cháo-quẩy làm cho cái “bùi” của cháo càng thêm đậm đà, và cái “giòn” của giò-cháo-quẩy thì thật “ăn rơ” với cái mềm mềm cứng cứng của huyết. Ngon không chê được !

Bà xẩm gọi tôi bằng “thầy Hai”. Sau “giải phóng”, từ ngữ cũng đã được đổi thay – cho nó hạp với… tác phong cách mạng – không còn gọi “ông A, bà B” gì nữa. Không còn xưng hô “thầy X, cô Y” gì nữa. Mọi giai tầng xã hội đều được xóa bỏ, mọi chênh lệch tuổi tác hầu như được sang bằng. Trong… “xã giao thường thức”, để gọi nhau, người ta chỉ còn dùng có hai từ “anh” và “chị”, vừa ngắn gọn lại vừa… bình đẳng nữa ! Thành ra thấy được xử dụng rất thoải mái và… xả láng ! (Một hôm, một thằng bé cỡ tuổi cháu tôi đã gọi tôi bằng “anh”… ngon lành ! Có lẽ trong lòng nó cũng khoái được trịch thượng như vậy. Bởi vì nó biết “thằng chả không làm gì mình được” ! Đổi đời… sướng ở chỗ đó !).

Vậy mà bà xẩm vẫn gọi tôi bằng “thầy Hai”, thản nhiên không ngượng nghịu gì hết ! Có lẽ tại thói quen. Cũng như tôi vẫn gọi bả bằng “thím xẩm” chớ không là… “chị xẩm” với tiếng “chị” rất… thời trang từ ngữ !

Mặc dù bây giờ người ta hay nghi ngờ, dè dặt, bà xẩm, đối với tôi, vẫn nói chuyện một cách thật tình cởi mở :

– Tôi nhớ hồi trước thím đâu có cái xe cháo huyết này.

– Thầy Hai nói đúng đó. Hồi trước là cái tiệm. Nó nằm sau lưng tôi nè. Hồi đó buôn bán khá lắm, thầy Hai à. Tiệm có bốn năm cái bàn lận.

– Tôi biết mà. Hồi đó, lâu lâu tôi có chở vợ con lại đây ăn. Tôi ở bên Gia Định, gần xịt hè.

– Ủa ! Mà hồi đó thầy làm việc ở đâu vậy ?

– Tôi làm trong ngân hàng ở Chợ Cũ. Lái xe đi về trên đường này nên mới biết tiệm của thím đó chớ.

– Giải phóng rồi thầy cũng còn làm việc ở sở cũ hả ?

– Đâu có ! Mấy ổng đổi tôi xuống làm việc ở nhà máy ve chai Khánh Hội.

– Cha… Xa quá há ! Đạp xe chắc mệt hả thầy Hai ? Bây giờ ai cũng đi xe đạp hết trọi.

– Rồi cũng quen hà. Ủa ? Mà tại sao thím dẹp tiệm đi ?

– Thời buổi khó khăn mà thầy Hai. Giữ chi cái tiệm cho họ để ý. Làm ăn nhỏ nhỏ thôi. Như thiên hạ vậy mà.

– Rồi mấy đứa con thím đâu ? Tôi nhớ hồi đó trong tiệm có mấy đứa…

– Đi hết rồi. Đi trước giải phóng.

– Sao thím không đi ?

– Thầy Hai nghĩ coi. Tôi già rồi. Không biết tiếng, không biết chữ. Đi đâu ? Còn mồ mả chồng tôi, mồ mả ông già bà già ở đây mà đi đâu ? Còn thầy ? Sao thầy không đi ?

– Tôi kẹt !

Lâu lâu ăn cháo huyết của bà xẩm được một thời gian thì Nhà Nước đổi tiền. Tôi… trở tay không kịp. Vậy là kẹt cứng. Có khi cả tháng không dư được một đồng. Lấy gì ăn cháo huyết ?

Để tránh… thấy hàng cháo huyết, mới đầu tôi thay đổi lộ trình. Tôi đi ngã cầu sắt, vòng qua chợ Bà Chiểu, xa hơn, hôi hơn (vì đi ngang chợ) và mệt hơn. Được mấy tuần, tôi bỗng nảy ra một sáng kiến (Nhà Nước đã chẳng dạy: “Ta phải luôn luôn phát huy sáng kiến” à ?).

Đó là vẫn đạp xe theo lộ trình cũ. Nhưng khi đến cách đèn xanh đèn đỏ độ vài chục thước, tôi rà thắng, mắt nhìn đèn ở đằng xa. Nếu là đèn đỏ, tôi bóp thắng ngừng ngay, đợi. Nếu là đèn xanh, tôi cắm đầu phóng nhanh đi tuốt. Thật là… thích thú. Tôi phục… tôi quá chừng !

Chiều hôm đó, đi làm về, mặc dù bụng đói meo, tôi vẫn áp dụng sáng kiến “canh đèn để vọt” kể trên. Nhưng không hiểu sao đèn đang xanh bỗng bật đỏ ngang không qua đèn vàng, khi tôi chỉ còn cách nó có vài thước. Nếu tôi… nhắm mắt chạy luôn, chắc cũng không sao. Đằng này, “bản năng” của một người công dân tốt trong tôi… bóp thắng. Xe đạp lết bánh một khúc rồi ngừng ngay trước xe cháo huyết !

Tôi chống chân chờ, mắt nhìn đèn đâm đâm. Bỗng tôi nghe tiếng bà xẩm, giọng niềm nỡ :

– Thầy Hai ! Thầy Hai à ! Trời ơi sao đâu mất vậy ? Vô ăn cháo đi !

Tôi làm bộ giật mình rồi nhìn về phía bả, mỉm cười cho… lấy có :

– Thím mạnh hả ?

Giọng của bà xẩm trở nên ân cần :

– Vô ăn cháo đi thầy Hai. Lâu quá mà…

– Tôi không có tiền ! (Tôi đã nói như vậy – dám nói như vậy – một cách thẳng thừng và không chút ngượng nghịu !).

– Không có sao ! Vô ăn đi ! Chừng nào trả cũng được. Mình quen mà… Thầy Hai !

Tôi lại nhìn đèn đỏ. Sao nó không xanh cho rồi, để tôi có cớ mà hối hả đạp đi, tránh được cái mùi thơm hấp dẫn của cháo huyết và tránh được lời mời rất thân tình của bà xẩm. Đèn vẫn đỏ ! Như… cố tình đỏ lâu để tôi có thời gian “đấu tranh tư tưởng”: một bên là “cái đói”, kéo thêm “cái thèm”, còn một bên là “cái xấu hổ” của một người chưa quen ăn chịu.

Tiếng bà xẩm vang lên :

– Thầy Hai đừng ngại mà… Vô ăn đi rồi mai mốt trả. Không có sao !

Lần này, “cái đói” cộng thêm “cái thèm” đã thắng. Tôi nuốt nước miếng bước xuống xe đạp thì đèn bật xanh. Nhưng trễ rồi. Thằng người hạ cấp trong tôi không còn đếm xỉa gì đến đèn xanh đèn đỏ. Nó chỉ còn thấy có tô cháo huyết ! Nó dẫn xe đạp lên lề khóa xe cẩn thận rồi nó bước lại ngồi lên ghế đẩu trước mặt bà xẩm. Nó còn mỉm cười chào bả một cách rất tự nhiên, không có vẻ gì của một người sắp sửa ăn chịu. Bà xẩm hỏi :

– Sao lâu quá không thấy thầy Hai vậy ?

Nó trả lời… gọn ơ :

– Tôi mắc về dưới tỉnh.

– Bà con ở dưới cũng mạnh hết hả ?

Dạ, mạnh.

Bà xẩm múc cháo, rắc tiêu, rồi đẩy tô cháo đến trước mặt nó:

– Thầy Hai cứ ăn đi. Chừng nào có tiền trả cũng được, đừng lo !

Nó nuốt nước miếng, cầm muỗng múc cháo lên đổ cháo xuống cho mau nguội mà mắt sáng rỡ, mũi hít từng hơi mùi thơm mời mọc.

Giọng bà xẩm ôn tồn :

– Thời buổi bây giờ, đâu phải ai cũng còn tiền đâu thầy Hai. Hồi trước, làm ăn dễ, có đồng ra đồng vô. Bây giờ, càng ngày càng khó khăn, ai cũng chăm bẵm hết.

Ngừng một chút rồi tiếp :

– Chỗ quen biết, tôi nói thiệt. Thầy Hai cứ tới ăn tự nhiên, đừng ngại. Chừng nào thầy Hai trả cũng được hết. Mình với nhau mà… Phải thông cảm với nhau chớ ! Thầy Hai hiểu tôi không ?

Đến đây, bỗng thằng người hạ cấp trong tôi biến đâu mất ! Để lại tôi ngượng nghịu cúi đầu nhìn tô cháo, chỉ nói lí-nhí được có mấy tiếng “Cám ơn thím. Dạ…”, rồi nín thinh. Tô cháo trước mắt tôi bỗng như to hơn, đầy hơn, đậm đà hơn… Bởi vì tôi thấy nó phải như vậy mới tương xứng với lòng tốt của bà xẩm. Và lần này, tôi có cảm tưởng như tôi ăn tô cháo đó chẳng bao giờ cho hết !

Tôi cúi đầu húp được vài muỗng thì bà xẩm đẩy tới một dĩa giò-cháo-quẩy. Tôi vội xua tay :

– Không ! Không ! Tôi không ăn giò-cháo-quẩy đâu thím !

– Không phải đâu. Đây là tôi cho thầy Hai mà ! Không tính tiền !

Tôi ngước lên nhìn bà xẩm, dò xét. Bả nhìn tôi, hiền hòa, gật đầu nhè nhẹ như để nói “Thiệt mà ! Ăn đi !”.

Miếng cháo tôi đang nuốt bỗng nghe như bị nghẹn ngang ở cổ họng, làm tôi ứa nước mắt… Tôi không dám nhìn bà xẩm nữa. Tôi nhìn tôi đang cúi đầu húp từng muỗng cháo, trịnh trọng như trong đời tôi lần đầu tiên tôi được ăn món này, món cháo huyết đậm tình người của bà xẩm Đa Kao./.

Tiểu Tử

 

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

Tình thầy trò


Lê Thị Minh

Lời dẫn:
    Năm 1973, Lê Thị Minh học môn Triết do thầy NVT dạy. Ngày 18 tháng 9 năm 2019, Lê Thị Minh cùng chị là Lê Thị Đức và hai phu quân từ Melbourne, Úc châu, đến Toronto, Canada thăm thầy Thượng. Bài viết “Tình Thầy Trò” diễn tả tình cảm chân thành của Lê Thị Minh trong tinh thần “Tôn Sư Trọng Đạo” theo truyền thống của dân tộc Việt Nam.
      Website  An Phong – An Bình
    
Nhất quyết phải đến Toronro thăm thầy Nguyễn Vĩnh Thượng, thầy dạy tôi Triết lớp 12. Thế nên, tới Toronto chúng tôi (4 người) tách tour, đi Uber đến nhà thăm thầy. Như đã hẹn trước, thầy cô đón trước cửa.
Thật cảm động, thầy tôi ốm yếu, già nhiều lắm, nhưng vẫn còn nét gì đó mà tôi nhận ra thầy ngay. Vẫn phong độ nhà giáo, vẫn nụ cười hiền hòa, thầy bắt tay từng người. Cô thì lúc nào cũng cười tươi, yêu đời. Tôi chào thầy cô với tiếng cảm ơn nghẹn trong lòng. Làm sao tôi quên được món nợ tình nghĩa mà thầy cô đã gởi ngân phiếu và sách Anh Văn cho tôi với những lời dặn dò, khuyến khích…trong những ngày tôi ở trại ti nạn 
Sikiew năm 1982… Đã vậy, hôm nay đến thăm, Thầy cô lại tặng cho tôi 3 cuốn sách, trong đó 2 đứa con tinh thần do thầy viết, một cuốn thì cô là tác giả. Gom bao nhiêu cho đủ để trả nợ cho thầy cô đây Thầy cô tôi vậy đó.
Bữa cơm gia đình đơn sơ do chính cô nấu đãi chúng tôi, đầm ấm nhưng ngon tuyệt vời, ngon vì món ăn đúng khẩu vị Việt, lồng với biết bao câu chuyện, nhắc nhớ từng thầy cô năm nào, nay ở đâu, có thầy cô đã yên nghỉ muôn đời, hình ảnh đẹp của các thầy cô lúc đứng lớp vẫn sống mãi trong tôi với biết bao kỷ niệm của thời trung học. Mọi người như đều có dịp để kể cho nhau nghe, vui có, buồn có, ẩn trong những giọt nước mắt ngậm ngùi cho một thời tươi đẹp nhất của một đời người, nay còn đâu. Mới đó mà đã hơn 46 năm rồi.
Đến giờ phải chia tay, Thầy không khỏe nhưng nhất định chở chúng tôi về khách sạn. Trời tối và lạnh, thầy một mình lái xe về nhà. Thương thầy tôi ghê vậy đó.

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

Men Say Tình Bạn Cũ

Như được ướp bởi men rượu nếp mới nồng nàn, ngây ngất. Tôi mãi lâng lâng buông nhẹ cảm xúc trong cuộc hội ngộ vỡ lở tiếng cười nói xôn xao, quánh đặc trong âm vang chào hỏi, ấm cúng trong vòng tay ôm bè bạn của những khoảng thời gian xa lắc, xa mịt.

Mười năm!
Hai mươi năm!!
Ba mươi năm!!!
Thậm chí bốn mươi mốt năm !!! Từ mốc thời gian định mệnh của khối lớp chúng tôi, rất định mệnh, vì sau năm 1972, các khối lớp 11 chỉ còn kỳ thi tú tài 1 cuối cùng trong toàn quốc, không riêng một trường nào, do đó, dù đậu hay rớt, khối lớp chúng tôi cũng phải “tan đàn xẻ nghé”. Ngày ấy, trường chưa có lớp 12.

Ai đậu tú tài một, bước sang trường công lập khác.
Ai rớt tú tài một. Nếu là con trai, bước vào quân ngũ, chảo lửa chiến tranh chờ đợi bạn tôi, vậy đó, chúng tôi đã có Dương Trí Lệ bỏ lại tuổi trẻ trong lòng tưởng nhớ bạn bè, trong trang lưu bút của tôi. Nếu là con gái, cam chịu lấy chồng, như một hệ quả bắt buộc của phận gái mười hai bến nước “trong nhờ, đục lóng phèn xài đỡ”. Riêng tôi và một số bạn gái khác đành ngồi học lại với lớp đàn em, chờ thời cơ mới trong ưu phiền nhẫn chịu.

Vậy đó, tôi và các bạn gặp lại nhau, xác tín nhau bằng hồi ức tuổi thơ, bằng những biệt danh niên thiếu. “Mày là cô đào Hai Mương phải không”.

Rồi ôm nhau rưng rưng, rồi tuôn trào kỷ niệm. Chưa đủ, tối hôm sau, tôi và Nguyễn thị Gái, cô bạn sau bốn mươi mốt năm mới gặp trút bầu tâm sự qua số điện thoại vừa trao đổi, rất lâu, rất nhiều, tôi nhớ mãi Gái, một cái tên thuần việt, một gương sáng học giỏi của nhiều năm học chung, bạn thành nhân với bằng thủ khoa của trường đại học tổng hợp, khoa địa chất, cũng là ngành dạy của thầy Lý Kim Long, thầy dạy Lý , thần tượng của chúng tôi trước đó ở Văn Hóa Quang Trung, bạn đã rất thành công với khoa bảng, nhưng lại lận đận với đường công danh sự nghiệp, bây giờ gặp lại Gái vẫn là người bạn chí tình của chúng tôi, hay tin Văn Hóa Quang Trung họp mặt toàn trường lúc 11g ngày 15-12 - 2013, Gái và Bảy từ rất xa, một người ở Tây Ninh, một người ở Củ Chi hẹn nhau cùng đến, không thư mời, không áo dài trang điểm, bạn đến chỉ vì nhớ “tụi bây” quá, lâu lắm rồi không biết bạn cũ giờ ra sao, mỗi lần có dịp về ngang trường xưa, dấu tích xa lắc về một thời nữ sinh vô tư trong sáng khiến bạn luôn nghĩ rằng, đâu đó trong những khu dân cư kia có bạn mình chăng? câu hỏi đau đáu ấy trôi theo dòng thời gian và cuộc mưu sinh không thuận lợi, để rồi bạn tất tả tìm đến đúng điểm hẹn, ngơ ngác trước cổng chào, thế nhưng bạn không xa lạ, từ sâu trong tiềm thức sáng trong của tình bạn cao thượng, không tính toán, vị kỷ, chúng tôi đã nhớ ra nhau, siết tay nhau cho òa vỡ nỗi niềm mong đợi .

Sắc màu huy hoàng, bố trí ấn tượng, không gian rực sáng của khuôn viên nơi tổ chức còn do nhiều nụ cười khoe sắc thắm của tuổi xế chiều, của lần hội ngộ kết nối những tình thân vô tư không vụ lợi, chỉ vì chúng tôi “TRỞ VỀ” tìm lại nhau, như tìm lại thuở học trò hồn nhiên tươi sáng, trắng tinh khôi như màu áo đồng phục đến trường một thuở

Thế nhưng đã lẩn lút những hạt sạn làm đau dấu chân “TRỞ VỀ”, làm nhíu mày Thầy Cô kính quý. Trong quá trình của cuộc sống, mỗi sinh vật có một đặc điểm riêng khó đồng hóa, trong đó con người là sinh vật cao cấp nhất, thông minh nhất, có tiêu chí sống rõ ràng. Con người, thông qua cách thể hiện mình, nhằm một mục đích vụ lợi tỏa sáng đặc điểm riêng cá nhân, vị thế càng được nâng cao hay bị vùi lấp mờ khuất cũng tại nơi cá nhân ấy và cách thể hiện mình mà thôi. Từ đấy những hạt sạn xuất hiện không vô tình

Để hoàn hảo cùng nhau hưởng niềm vui trọn vẹn tuổi không còn trẻ trung, sung mãn, tôi và các bạn của tôi chọn tiếng cười vô tư, tình bạn yêu thương, đùm bọc nhau.

Đi đến tận cùng với nhau bằng tình bạn chân thành nhất đã là đích đến của ngày “TRỞ VỀ” và cũng là mãi mãi nhé đồng môn VĂN HÓA QUANG TRUNG.

Hãy cho nhau vị ngọt ly rượu mừng chúc vững tiến bên nhau.

Hà Hương Mai
Khối 11/72

Nguồn: Kỷ yếu của trường Trung học VHQĐ Quang Trung, Hóc Môn, phát hành nhân ngày Hội ngộ 15 tháng 12 năm 2013

Trở về

Sung sướng nào như được hôm nay
Hạnh phúc nào khi được trao tay
Kỷ yếu mai này thành kỷ vật
Cho ngày sau còn lại chút này!

Ghi lại trong đây bao hình ảnh
Thầy cô, bè bạn, mái trường xưa
Người đi xa xứ lòng canh cánh
Đêm nay vọng tưởng mấy cho vừa
Kỷ yếu thơm nguyên mùi giấy mới
Như vở học trò thuở thắm xanh
Trăm hoa đua nở chung nguồn cội
Ngậm ngùi thương tiếc lá xa cành

“Thanh Tâm” rừng rực giờ khai hội
Thỏa lòng chờ đợi bấy nhiêu năm
Góp sức, dựng xây, cùng mong mỏi:
“Trở về” vằng vặc ánh sông trăng.

Phạm Thị Hoa – Khối 65-71 ,
Ngày Hội Ngộ 15-12-2013

Nguồn: Kỷ yếu của trường Trung học VHQĐ Quang Trung, Hóc Môn, phát hành nhân ngày Hội ngộ 15 tháng 12 năm 2013

Ngày Hạnh Phúc

Ngày 15 tháng 12 năm 2013, Ngày Truyền Thống lần 2 của trường Văn Hoá Quân Đội Quang Trung (Hóc Môn).

22g30 ngày 15-12-2013

Thế là con Thuyền Trở Về của CHS VHQT đã neo đậu bến bờ Hoa Viên nhà hàng Thanh Tâm , đưa đoàn hành khách thuận buồm xuôi gió cùng nắm tay vui vẻ với gương mặt tràn đầy hạnh phúc, bước xuống thuyền hội ngộ cùng Thầy Cô, Bạn Hữu kính yêu của mái Trường VHQT.
Sau bao ngày lênh đênh vượt qua mọi sóng vỗ mạn thuyền, nhưng với tài lèo lái của vị thuyền trưởng Đặng Ân đã cùng thủy thủ đoàn vững tay chèo đưa con Thuyền đến với mặt hồ sóng yên biển lặng, vươn cao cánh buồm đỏ thắm chào đón toàn thể quan khách với tiêu chí Trở Về sum họp NTT Lần II thành công tốt đẹp.

Cám ơn Thầy, Cô , CHS VHQT Hải ngoại trên trang Trường, các bằng hữu, mạnh thường quân trong và ngoài nước đã luôn luôn theo dõi tiếp sức ủng hộ về tinh thần cũng như vật chất để CHS quê nhà hoàn thành được tâm nguyện của Thầy, Cô và các Anh giao phó . Trên đường chúng tôi đi tuy đã phải ngậm ngùi tiễn đưa vị hành khách danh dự Thầy Huy Đại, Bạn Trần Cư và một hai bạn vì sức khỏe không tiếp tục đi hết con đường . Hy vọng ở một nơi nào đó các vị cũng mỉm cười, thỏa nguyện rằng học trò và bạn hữu đã làm được điều các vị kỳ vọng.

Thầy Huy Đại cùng bạn Trần Cư đã hãnh diện có được một học trò và một người bạn đã thay mình làm nên một điều thành công ngoài sức tưởng tượng đó là Đặng Ân, hoàn thành tâm nguyện đưa con tàu trở về bình an, dù rằng ngày hôm đó Anh phải vắng mặt để lo việc tang gia cho nhạc phụ - Tú Vân một CHS của VHQT, một nửa yêu thương của Đặng Ân, một hậu phương vững chắc đã sát cánh theo Anh suốt chặng đường . một lần nữa đã thay Anh ở nhà ngày 15-12 lãnh luôn trách nhiệm của người con rể để Anh hoàn thành tốt công việc mà 2 năm qua các Thầy, các Bạn trong và ngoài nước đã mong mỏi đón chờ .

Cảm ơn Anh, cảm ơn một trong các đôi uyên ương hạnh phúc của VHQT , thật chân thành không lời văn, ngôn từ nào nói lên được những gì mà Anh, Chị em trong ban tổ chức muốn nói điều chúng tôi muốn nói với vợ chồng Anh .

Bức thư pháp chữ Nhẫn khiêm tốn đã thay chúng tôi gửi đến Anh với tất cả lòng quý mến Đặng Ân - Tú Vân và ban Tổ chức NTT Lần II - Cố lên , Cố Lên tiếp tục đưa chúng tham quan bến đỗ mới trong tương lai . Xin chào đoàn kết và hy vọng .

Nguyễn Thị Đoàn
KL 65 - 70

Nguồn: Kỷ yếu của trường Trung học VHQĐ Quang Trung, Hóc Môn, phát hành nhân ngày Hội ngộ 15 tháng 12 năm 2013

Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

Học Sinh Petrus Ký Hành Khúc





Nguồn: Hội Ái Hữu Petrus Ký- Úc Châu       https://petruskyaus.net/nhac-petrus-ky/

Thứ Tư, 13 tháng 9, 2017

Nhớ Sài Gòn


                              



Nguyễn Thế Vinh
 
PK LHP 1971 – 1978


Hổm rày nói chuyện với thằng bạn …Tao nhớ Sài gòn quá mày ơi …mà thiệt, tôi nhớ Sài Gòn quá đổi …

Nhớ Sài Gòn, tôi nhớ cái xóm nghèo của tôi, xóm lao động dọc con kênh Nhiêu Lộc, đường Trương Minh Giảng. Tôi nhớ những con hẻm cong quẹo từ đường cái vào tới nhà. Tôi nhớ cây mận nhà bác Hai Thuế nhô ra gần nửa hẻm, nhớ những cây Ngoc ̣ Lan, Bạch Mai ba tôi trồng trước hiên nhà, nhớ con kênh đen ngòm những chiều nước lớn từng đám lục bình dập dềnh trôi nổi mông mênh …

Nhớ Sài Gòn, tôi nhớ những chiều mưa, tôi ngồi bó gối trước hiên nhà, lặng nhìn những bọt bong bóng tí tách vỡ tan, nghe giọng ru con của bà mẹ trẻ nhà hàng xóm sao não nuột …"Trời mưa bong bóng phập phồng, mẹ đi lấy chồng con ở với ai"…

Nhớ Sài gòn, tôi nhớ con hẻm vắng những sớm tinh mơ, cây Trạng Nguyên nhà thím Ba từ từ đổi màu đỏ thẫm trông thật đáng yêu. Tôi nhớ những đêm trăng sáng, khoảng trời nhỏ bé trong xóm tôi như thênh thang hơn, và bầu trời kia như cao hơn, cao hơn …

Nhớ Sài gòn, tôi nhớ con đường rợp lá, hai hàng cây cao, và những tàng cây như quyện vào nhau, để tôi thong thả đạp xe chậm rãi giữa vòm cây xanh mát ...Đường Bà Huyện Thanh Quan, Đường Đoàn thị Điểm, Đường Trần Quý Cáp …sao tôi yêu, sao tôi nhớ những con đường này quá …..Đường đến trường đi học của tôi đó …..Đường của tuổi thơ đẹp đẽ của tôi …

Nhớ Sài Gòn, tôi nhớ những quá cà phê cóc gần nhà ,quán ở Hồ Xuân Hương, quán ở Yên Đổ gần tu viện Mai Khôi, quán cô Tư Lý Thái Tổ …nơi tôi vẫn gặp gở bạn bè bên ly cà phê đen và những điếu thuốc lẻ vào cuối tuần …

Nhớ Sài Gòn …tôi nhớ tới đường đến trường Y, đường đến bệnh viện Chợ Rẫy, Bình Dân, mỗi ngày tôi vẫn đón đưa Hồng đi học, đi thực tập …Tôi nhớ những đêm trắng trực phòng mổ ở Hùng Vương, Nhi Đồng …nhớ những tách cà phê vợt nóng hổi, uống tỉnh cả người sau những ca gây mê khó khăn mà dì Tám thương yêu đưa cho …"Uống đi thằng nhỏ … dì Tám mới pha đó con …..Còn thuốc hút hông, Tám mua cho con?

Nhớ Sài Gòn, tôi chả nhớ gì lắm chợ Bến Thành, Tự Do hay Lê Lợi ….đơn giản là hồi còn bên nhà chẳng mấy khi ra tới đó. Sài Gòn của tôi, thế giới của tôi thu gọn vào những sinh hoạt, đi học đi làm mỗi ngày …"Khi tôi ở đất là nơi tôi ở. Khi tôi đi,đất bổng hoá tâm hồn"
Misa đi Việt Nam thăm ông bà ngoại về, chụp hình khoe cha …Tôi hớn hở hỏi con…Con ra Tao Đàn hả con ….ráng so sánh lại với những hình ảnh trong ký ức những ngày xưa họp bạn Hướng Đạo ở đó ….con ghé trường cha hả con …con ghé Thư Viện Quốc Gia hả con …..Misa thương cảm ôm vai, nắm tay cha ….Cha à... Sài gòn của cha không còn nữa đâu. Cha xa Sài gòn quá lâu rồi, giờ nhiều thay đổi lắm, đông đúc ồn ào lắm cha …chả còn những con đường rợp lá cha vẫn kể cho con nghe đâu cha …Hãy cất Sài gòn vào nỗi nhớ của cha đi thôi ...tội cha con.
Tôi vẫn để yên tay mình trong tay con gái, mông lung nhìn ra vườn, nhè nhẹ thở ra, mà nghe như những giọt nước mắt lặng lẽ rơi ngược trong lòng …Sài gòn …
Nguyễn Thế Vinh
 


Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

Hồi ức ngày mưa

Phạm Thị Trí

Lời nói đầu : Đây là những dòng hồi ức, hơn 50 năm qua, hơn nửa vòng thế kỷ.  Người ta nói “Đá sẽ mòn, sông sẽ cạn dưới sức tàn phá âm thầm nhưng mãnh liệt của thời gian, huống chi cảnh vật, con người… đã và đang trôi theo dòng sinh mệnh”. Tôi không muốn nhắc nhớ, ghi lại, hoàn cảnh xã hội, khi tôi lớn lên, không muốn đi sâu vào mưa ảnh hưởng như thế nào vào mỗi đời thường nhân thế…Mưa ở đây, chỉ qua lăng kính của tôi, của một tâm hồn mới lớn, tập tành gửi vui buồn vào những giọt mưa thơ! Già rồi, ngồi nhớ lại. Vẫn biết trường xưa, giờ không còn như xưa, con đường, giờ không mang tên cũ, thành phố, đã theo bước thời gian mà đổi thay, sao trong tâm tôi, khi nhắm mắt lại, hồi tưởng…hình như mọi vật vẫn không thay đổi!

 Hay là nơi tôi, dòng thời gian dừng lại? Hay là “tôi đang cõng bầu trời trên hai vai của thời niên thiếu? Hay nói như cố nhạc sĩ TCS “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt. Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.” ?

Hồi ức ngày mưa.

                          
               

Gia đình tôi quê ở Đức Hoà (Long An). Nhưng  Sài Gòn…nơi ấy tôi lớn lên. Cám ơn cha mẹ đã làm việc cực nhọc cho anh chị em tôi có cuộc sống ấm no. Tôi như chú gà con nhỏ bé, chỉ biết núp dưới đôi cánh ấp yêu của cha mẹ để nhìn đời và để yêu thương.

Nếu nói về mưa thì tuổi đôi tám, tôi đã biết yêu mưa, vì miền nam chỉ có hai mùa mưa nắng. Thành phố Sài Gòn của tuổi thơ tôi, ngày ấy, mưa rất đẹp, rất thơ, mưa trên hàng cây xanh lá, mưa trên những cội me già, mưa trên mái nhà, tưới tẩm làm sạch từng con phố mưa qua, mưa không làm lụt lội, nước không tràn  vào nhà, ngập phố như bây giờ. Mưa !!! để tuổi trẻ chúng tôi có những “buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua”.

Lúc ấy, dù chưa có mối tình vắt vai, nhưng những câu thơ mưa rời rạc của tôi, đầy vơi những nỗi buồn tưởng tượng.

“Mưa rơi trên đường phố. Hàng cây đứng bơ vơ. Mưa về mang thương nhớ. Vơi đầy.

Mưa qua những thật thà. Của ngày tháng phôi pha. Quạnh hiu khung trời cũ. Mưa… lệ ướt bờ mi.

Mưa nhớ quá nắng hè. Nghiêng nghiêng lòng con phố. Trong hồi ức mênh mông. Buồn tênh.

Trong lòng mưa tôi viết. Những vần thơ nhớ thương. Gửi về người nơi ấy. Tình tôi

Mưa đến rồi mưa đi. Riêng mình tôi vụng dại. Vớt cánh tình phôi phai…”

 
Tuổi 19, tôi bước vào ngưỡng cửa đại học với bầu trời xanh trên cao, lá hoa cười trước mặt. Ghi danh vào Đại Học Văn Khoa trên đường Cường Để, mưa vẫn theo dấu chân tôi, mưa đi vào tâm hồn lãng mạn của tôi…

Những  chiều, ngồi trong giảng đường giờ Việt chuyên biệt, ít sinh viên hơn những giờ đại cương. Mọi người say sưa lắng nghe tiếng thầy Nguyễn Khắc Hoạch giảng “Tình yêu trong thi ca VN”…

Mưa trên những hàng cây trong khuôn viên trường, tiếng mưa trầm trầm hiên ngoài, bầu trời xuống thấp trên khoảng sân rộng, nơi các nam sinh viên thường chơi thể thao những lúc chưa tới giờ học. Bên kia đường, khu vườn thực vật của Đại học Dược khoa cũng nhẩy múa trong làn mưa. Tai nghe thầy giảng “Ngày xưa có anh Trương Chi. Người thì thật xấu, hát thì thật hay” Thầy đang dẫn mọi người vào “Khối tình Trương Chi và những khối tình đậm nét trong văn chương V.N”, thầy phân tích chữ duyên, chữ nợ, chữ tình…những duyên khởi, duyên tận và luật nhân quả… chi phối số phận mỗi con người…Mắt tôi để ngoài khung cửa lớp…Trang vở ghi đầy những vần thơ mưa…

“Văn khoa bất chợt những cơn mưa. Ướt bờ mi dĩ vãng. Mưa trên những nhạt nhoà. Hong tình vào nắng hạ. Mây…ngàn năm  vẫn trôi. Sông…ngàn năm vẫn đợi. Mưa như sợi tơ trời. Buộc hai đầu nỗi nhớ”

Tiếng chuông báo giờ tan học, trời vẫn còn lâm râm. Choàng chiếc áo mưa, ra nhà xe lấy chiếc VéloSolex khởi động máy, tôi và con bạn, cùng sở thích điên… đi trong mưa .

“Đường  Hồng Thập tự  hàng cây xanh lá, đường về nhà sũng lá me rơi.

“Mưa ướt đường em đi. Mưa thấm lạnh vào hồn. Mưa buồn trên môi mắt. Nhớ vu vơ bóng hình”

Đậu dự bị Văn Khoa, thi vào Đại học Sư Phạm, trường nằm trên đường Cộng Hoà, cùng khu xóm với Đại học Khoa học, trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký, xa chút tới đường Thành Thái, là trường Sư Phạm, trường Trung Thu, bên kia đường là trường Bác Ái, và một vài cơ quan giáo dục gần đó, lâu rồi trí nhớ cũng phôi pha.

Ba năm dùi mài kinh sử nơi đây, ba năm với những buồn vui thời mộng mơ thiếu nữ, ba năm gửi lại sân trường bao kỷ niệm bên thầy cô, cô Khưu sĩ Huệ, thầy Lê Hữu Mục, thầy Phạm Văn Diêu, Linh mục Thanh Lãng, thầy Trần Trọng San, thầy Trương Văn Chình mái tóc bạc phơ, thầy Giản Chi hiền hoà và còn bao nhiêu vị thầy khả kính, dạy dỗ, trao kiến thức cho chúng tôi, mong chúng tôi tiếp nối bước chân giáo dục của các thầy. Bạn bè thân yêu cùng lớp, cùng trường, làm sao quên! Thương cây điệp già như người mẹ hiền đón tôi, giữ giùm tôi những ước mơ đầu đời và nhìn tôi tốt nghiệp đi vào đời với nụ cười từ ái…Lại nhớ những cơn mưa đầu mùa, những lúc đứng dưới hàng hiên nhìn mưa bay, hay bên cửa sổ tầng 3 nghe chị Quách thị Trang hát Diễm xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tiếng hát của chị trong chiều mưa nghe mà rưng rưng trong dạ, để bây giờ trên bước đường lưu lạc, mỗi khi nghe lại Diễm xưa, hồi ức những chiều mưa, nhớ quay quắt trong tim.
“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu”…

Nhận nhiệm sở về dạy Trung học Tống Phước Hiệp, thành phố Vĩnh Long. Ngôi trường cổ kính, có cách kiến trúc gần giống với trường trung học Gia Long, vì thế khi đến đây, vừa bước xuống xe, tôi có cảm giác rất thân quen, thương nhất là hai hàng cây huỳnh đàn rợp bóng từ cửa dẫn vào sân trường…Nhớ đôi mắt và nụ cười tỏa sáng niềm vui của Mẹ tôi, khi đi cùng tôi đến Vĩnh Long ngày trình sự vụ lệnh.

Lần đầu tiên trong đời, sống xa gia đình, cảm giác thật cô đơn. Tôi ở trọ nơi nhà dì sáu Lê, trên đường Trưng Nữ Vương, gần nhà thương Vĩnh Long. Nhà nầy, thêm tôi nữa thì…đúng là nhà của “Đoàn nữ binh mùa thu”. Dì tư Xuân, dì chín Vẹn, dì năm Tuyết , dì sáu Lê thêm Mai cháu của dì sáu…Các dì ai cũng còn độc thân, rất thương tôi, lo cho tôi rất chu đáo. Nấu cơm dọn dẹp nhà cửa đã có Mai, giặt giũ, đi chợ thì có chị hai Sương .

Tôi vừa sợ vừa yêu những cơn mưa ở Vĩnh Long vào những năm 1969 khi tôi đến nơi đây. Ngày ấy, tôi gọi Vĩnh Long là “thành phố nắng bụi mưa bùn”. Những ngày mưa qua phà Mỹ Thuận, lội bộ để chuyển xe vô thành phố, áo quần lấm lem, về đến nhà, mệt nhoài, tắm vội vã chuẩn bị đến trường cho kịp giờ dạy. Tôi thích  mưa trên sông lúc ngồi trên phà, nhìn đám lục bình trôi. Sông Tiền bao la quá. Dòng nước đục ngầu chở nặng phù sa!

“ Mịt mù mưa trắng trên sông, những giọt từ trời rơi  buồn con sóng”…

“ Lục bình tím vì ai mà nở. Thương những đời gạo chợ nước sông”

Hay khi

“Những lúc đứng trên bục giảng. Hồn bay theo mưa, theo cánh phượng đầu mùa”

Ngày tôi rời quê nhà, dòng sông đưa con thuyền ra biển lớn. Hàng dừa nước lao xao, mưa đưa tiễn người. Thuyền từ từ ra cửa sông Cái Lớn, rồi đến biển, trong làn mưa nhìn lại dãy đất quê hương đang mờ dần trong tầm mắt

“Nhìn về đường cố lý, cố lý xa xôi…
Quay lại hướng làng
Ðà Giang lệ ướt nồng
Mẹ già ngồi im bóng
Mái tóc sương mong con bạc lòng”

Tuy không hát lên thành tiếng nhưng lời bài “Thuyền viễn xứ” của Phạm Duy như những âm ba đợt sóng ngầm trong lòng người đi. Tự dưng không muốn khóc, mà giọt nước mắt lăn dài…

Đến Canada mùa thu 1979…định cư ở  Lethbridge, thành phố nhỏ, an bình cách biên giới Mỹ Canada qua rặng Rocky Mountain khoảng 150 km, thuộc tỉnh Alberta, vùng thảo nguyên với những cánh đồng lúa mì bạt ngàn… Mùa đông lạnh…rất lạnh…Nhờ vốn Anh ngữ và đã từng đứng lớp, tôi được tuyển làm thông dịch viên và dạy Anh văn cho các học sinh Việt Nam, trước khi cho các em vào chương  trình học chính thức. Dân Việt có khoảng độ 200 gia đình vào thời gian nầy…Nơi đây tuyết rơi nhiều hơn mưa, nên tôi…có những buổi chiều ngồi nhớ những chuyến mưa xưa…(khi nào rảnh, tôi sẽ giới thiệu thêm về thành phố nầy với các bạn, vì nơi đây tôi đã để lại rất nhiều tâm tư của một người di tản)

“Dance in the rain…Life isn’t  about waiting for the storm to pass. It’s about learning to dance in the rain”.“The person who dances with you in the rain will most likely walk with you in the storm”.

Đó là những lời nói, tạo sức mạnh cho tôi, khi muà hè năm 1984, gia đình nhỏ của tôi… hai vợ chồng và 3 đứa con, con gái 9 tuổi, 2 trai 6 tuổi và 2 tuổi, một lần nữa, làm chuyến thiên di  dài 2.113 km…về thành phố Toronto, tỉnh Ontario…tìm chút ấm và định cư lâu dài.

Trải qua một thời gian, bắt đầu từ hai bàn tay trắng, và vốn kiến thức mang theo, tôi đi vào con đường mình chọn lựa, buông mình theo nợ áo cơm, xây dựng lại cuộc đời… những chuyện văn chương, mưa nắng, trăng sao mờ tỏ, tôi dường như bỏ qua một bên. Vợ chồng cố gắng học lấy một nghề, để làm hành trang vào đời sống mới.

Quên trường, quên lớp, bỏ mộng mơ…Cô giáo ngày xưa không đến trường mà đến ngân hàng làm việc. Suốt ngày vật vã với những vấn đề cho vay mượn, nợ nhà, nợ xe, đầu tư, cổ phiếu lên xuống… dán mắt vào computer và những con số…trong suốt quãng đời dài cho đến lúc về hưu.

Bây giờ, đã về hưu, có thì giờ nối lại chuyện nắng mưa …Mưa quê nhà và mưa quê người. Mưa của thời mới lớn và mưa trong đôi mắt của người “biết tri thiên mệnh, hiểu đời nhân sinh”

Như hôm nay, đưa cháu đi học trong mưa, mưa không lớn, nhè nhẹ vừa đủ ướt áo, ướt cả dù che.

Sau khi cháu lên xe bus, nếu chỉ quay về nhà thì chỉ một block đường, gần lắm; nhưng nhìn mưa và cảnh vật, tôi quyết định đi trong mưa…
 
 
            
Vẫn con đường tôi đi mỗi buổi sáng, lối đi, xác lá trên đường vàng xanh nâu tím ướt đằm dưới bước chân người vô tình dẫm qua…Tiếng mưa  nhẹ trên cây dù, rơi xuống từng giọt, may mà hôm nay trời không gió. Giọt mưa đọng trên cành cây, cuối đầu ngọn lá như viên ngọc long lanh. Đi trong mưa, ướt không gian, mờ mờ nhân ảnh. Tiếng mưa rớt trên chiếc dù, như một nốt nhạc, cung bậc nầy dể làm cho lòng người chùng xuống, từ đó thương nhớ mông lung những hình ảnh đã xa…xa như tuổi đời và dòng thời gian chia cách.

“Nơi đây…rơi hạt mưa  rơi. Hạt sa bờ cỏ hạt vào tim ai…Đâu đây có tiếng thở dài…Đời…như con nước trôi hoài ngàn năm”

 Không gian như vầy, tôi không là thi sĩ cũng muốn trở thành nhà thơ, vì những cảm giác, những rung động với đất trời đang ấp ủ…trong tim, trong hồi ức mang mang, muốn thoát ra trên từng con chữ, thấp thoáng đâu đó lại là  hình bóng quê nhà. Phải chăng ở vào tuổi không muốn nói mình già nhưng cũng không  còn trẻ, những tiếng sóng vỗ bờ của dòng sông, chiếc cầu ao nước lớn nước ròng; lũy tre; con đường nho nhỏ trong xóm; ngày nắng ngày mưa vất vả lo toan cho cuộc sống; ngày êm đềm bên gối mẹ lưng cha… là chất thơ tiềm ẩn trong tôi ? Trong trí nhớ già nua hình ảnh bạn bè, người thân, chia ly tan hợp , nụ cười và giọt nước mắt qua đời, tưởng chừng như chìm sâu, lắng xuống…Tất cả…như đóm lửa được khơi dậy…như lúc nầy, lúc tôi kể bạn nghe về  hồi ức  những ngày mưa.

Tháng 2, 2017.

Phạm Thị Trí

 

Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2017

Những bàn tay đã nắm



Lê Giang

Một lần ông xã ngồi mân mê bàn tay tôi rồi hỏi: “Nói anh nghe, bàn tay này đã nắm bao nhiêu bàn tay rồi?” Một câu hỏi không hề dễ trả lời, thậm chí là không thể trả lời cho chính xác. Có những bàn tay ta nắm rồi buông, và chẳng bao giờ còn nhớ lại. Có những bàn tay, nắm rồi nhớ mãi dù năm tháng đi qua 




Bàn tay tôi nắm đầu tiên là của ai, là bố hay là mẹ? Tôi chắc chắn không biết. Nhưng tôi biết đó là hai bàn tay tôi đã nắm nhiều nhất thuở ấu thơ. Những bàn tay to, thô ráp bởi cày cuốc ruộng đồng, những bàn tay như thần thánh có thể làm hết thảy mọi việc. Bàn tay bố dắt tôi chập chững bước đi. Bàn tay mẹ cầm tay tôi uốn từng nét chữ. Bất cứ khi nào tôi ngã, hay khi tôi buồn khóc, ốm đau, sẽ có bàn tay rộng lượng chìa ra cho tôi nắm vào để biết rằng mình đang được vỗ về an ủi. Sau này lớn lên, tôi lấy chồng xa, thỉnh thoảng đưa con về thăm nhà, ngủ chung với mẹ. Những đêm chờ mẹ ngủ say, tôi cầm bàn tay mẹ áp vào ngực mình. Bàn tay vẫn to, đầy những nốt chai sần và nay đã nhăn nheo gầy guộc. Và tôi khóc, cảm giác nhớ tiếc một cái gì đó.
Tôi nhớ bàn tay người con trai đầu tiên mà tôi gọi đó là mối tình đầu. Đôi bàn tay đẹp, dài với những chiếc móng được cắt gọt cẩn thận. Người ấy thường nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi, dùng ngón tay mình vẽ vẽ vào lòng bàn tay tôi rồi hỏi: “Đố em biết anh vừa viết gì?”. Tôi lắc đầu. Anh cười nói anh viết rằng: “Anh muốn nắm tay em đi hết con đường đời dài rộng” .Nhưng rồi mọi lời hứa hẹn đều như gió thoảng mây bay. Bàn tay ấy đã buông lơi, thôi không còn nắm tay tôi mà tìm đến một bàn tay khác. Những lúc buồn, tôi vẫn vô thức tự vẽ vẽ lên lòng bàn tay mình. Rồi lại tự cười một mình khi nhận ra mình giống hệt một kẻ ngốc.
Ngày có người con trai cầm tay tôi nói lời cầu hôn, tôi cảm nhận rõ sự gai góc xù xì trong bàn tay ấy. Cảm giác ấy khiến tôi liên tưởng đến bàn tay mềm mại của mối tình đầu, rồi chợt thốt lên: “Sao bàn tay anh xấu thế?”. Anh nhìn tôi, bật cười giải thích, vì nó không được lớn lên trong mượt mà nhung lụa mà lớn lên bởi những gánh nặng mưu sinh, vì nó không được nâng niu mà đã bao phen trầy da chảy máu. Rồi anh nhìn vào mắt tôi, bàn tay siết chặt bàn tay: “Em cứ tin, nó không đẹp nhưng chẳng ngại khó khăn nào cả, hãy cứ vững tâm mà nắm lấy, được không?”.
Cuối cùng thì tôi đã nhận lời nắm lấy bàn tay ấy, để anh dắt lên xe hoa, để anh lồng vào ngón tay chiếc nhẫn cưới, để anh lau những giọt nước mắt ngày tôi về nhà chồng. Bàn tay ấy đã tự vào bếp nấu cho tôi bát cháo ngày tôi ốm, tự cắm hoa vào lọ những ngày kỉ niệm yêu đương. Bàn tay ấy đã dắt tôi đi qua bao nhiêu ngày tháng chông chênh đan xen những lo toan và niềm hạnh phúc. Đôi bàn tay xù xì nhưng cứng cáp và ấm áp vô ngần.
Ngày tôi đau tưởng chừng xé ruột để cho chào đời một sinh linh, đứa con gái bé bỏng của tôi sau khi được y tá tắm rửa sạch sẽ được đặt nằm cạnh mẹ. Hai bàn tay nhỏ xíu yếu ớt. Tôi nhẹ nhàng chạm vào bàn tay con, hạnh phúc đến ứa nước mắt. Đó là khi tôi biết rằng mình đã thực sự trưởng thành, và tin rằng mình sẽ mạnh mẽ hơn để có thể che chở cho con, để dắt con đi suốt những tháng năm thênh thang phía trước.
Những đêm nằm bên con, cầm lấy tay con đặt nhẹ lên môi hôn, chợt nghĩ rằng có lẽ ngày xưa mẹ mình cũng nâng niu và yêu thương mình nhiều đến thế. Rồi một ngày con gái mình sẽ lớn, sẽ lại đặt bàn tay vào một bàn tay khác mà con thương yêu. Chỉ mong con gặp đúng người để tin, và bàn tay không bị buông lơi trong nỗi đớn đau thất vọng.
Ngày ông nội mất, tôi nghẹn lòng nhìn bà nội cầm tay ông kể lể về những tháng ngày xưa cũ khi ông bà còn trẻ. Hai người đã cùng nhau sống chung hơn nửa thế kỉ với bao nhiêu yêu thương, giận hờn, khổ đau, hạnh phúc. Vậy mà nay tay bà còn ấm, tay ông đã lạnh ngắt rồi. Chẳng ai cưỡng được số mệnh, chẳng ai đâu. Ai rồi cũng sẽ một ngày về nằm trong lòng đất. Có người ra đi trong ồn ào khóc lóc, có người lìa khỏi thế gian trong lạnh lẽo cô đơn. Người ra đi bởi đã trả xong nợ cõi trần. Chỉ là người ở lại sẽ mang nhiều nuối tiếc xót xa khi biết rằng bao nhiêu yêu thương lúc này cũng không thể sưởi ấm cho người được nữa.
Thỉnh thoảng tôi vẫn đưa tay mình lên trước mặt rồi tự hỏi lại câu chồng mình đã hỏi: Bàn tay này đã nắm bao nhiêu bàn tay? Nhiều, nhiều lắm. Có những cái nắm tay khiến mình nhớ mãi, có những cái nắm tay buông rồi là quên ngay. Có những cái nắm tay thật chặt, cũng có cái nắm tay buông lơi hờ hững. Chợt nhận ra một bàn tay đẹp không phải là bàn tay thon dài mềm mại với những chiếc móng được tỉa tót sơn màu. Một bàn tay đẹp là chìa ra đúng lúc mình cần, nắm tay mình qua những đoạn đường đời chông chênh sỏi đá, dẫu mệt mỏi cũng không buông, dẫu xa xôi cũng không nản.
Nếu chúng ta đang có những bàn tay để nắm, xin hãy trân trọng từng phút giây. Đừng mơ mộng những bàn tay xinh đẹp của ai kia mà buông lơi bàn tay gần gũi ấm áp ở bên mình. Nắm lấy tay nhau, cử chỉ ấy ấm áp hơn mọi lời nói yêu thương đầu môi chót lưỡi.
Bởi cuộc đời nhiều bất trắc, ai biết được khi nào ai nhắm mắt xuôi tay. Ai biết được khi nào tay mình vẫn ấm áp đây mà bàn tay ai kia đã vô chừng lạnh lẽo. Vậy nên khi sống không đem đến cho nhau sự ấm áp, thì khi lìa khỏi nhân gian có bịn rịn tiếc thương cũng còn ý nghĩa gì?

Lê Giang




Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Thương Nhớ Thầy Cô


                             
                                                                         


     Bài viết của   Nguyễn Vĩnh Thượng

     Hồi niên học 1955 – 1956, tôi học lớp Nhất (lớp 5 bây giờ) tại trường tiểu học tư thục Chợ Đủi, nằm trên đường Phan Đình Phùng cũ ở gần chợ Vườn Chuối và cổng xe lửa. Ba tôi muốn tôi phải thi đậu vào lớp Đệ thất trường trung học Petrus Ký. Ba tôi nói “Petrus Trương Vĩnh Ký là một nhà giáo xuất sắc ở đất Nam Kỳ”. Ông cho tôi đi học thêm lớp luyện thi vào lớp Đệ thất tại nhà thầy giáo đang dạy tôi lớp Nhất. Tôi đi học suốt 4 giờ buổi sáng ở lớp Nhất, buổi chiều học thêm 2 tiếng để luyện thi.

     Tháng 6 năm 1956 tôi thi đậu bằng “Tiểu học”, sau đó tôi nộp đơn thi tuyển vào lớp Đệ thất trường Petrus Ký, nhiều bạn trai khác nộp đơn thi vào trường Võ Trường Toản, các bạn gái thì nộp đơn thi vào trường Gia Long. Tôi đi dự thi vào lớp Đệ thất tại trường thi là Trường tiểu học Đổ Hữu Phương (bây giờ là trường Hùng Vương). Hôm đi xem kết quả, anh bà con tôi chở xe đạp từ nhà ở gần chợ Vườn Chuối đi đến trường Trung học Petrus Ký ở đường Cộng Hoà cũ. Số người xem kết quả rất đông, anh tôi biểu tôi giữ chiếc xe máy (bây giờ gọi là xe đạp) để anh chen lấn vào “Bảng Kết Quả” có lưới bao bọc, đặt ở cổng bên phải trường; cổng chính có bảng tên trường Petrus Trương Vĩnh Ký, có 2 câu đối ở hai bên cột của cổng trường. Danh sách thi đậu gần 400 thí sinh gồm có số thứ tự hạng đậu, số ký danh và họ tên. Sau một hồi chen lấn anh tôi chạy ra cho tôi hay là tôi đã thi đậu. Về tới nhà cho Ba Má tôi hay tin mừng này, ba Má tôi vui lắm. Tối hôm đó Ba tôi dẩn cả nhà ra quán “Hủ Tiếu Mì” gần nhà, đãi mỗi người một tô mì. Má tôi dẩn tôi đi sắm hai bộ đồng phục: áo ngắn tay, quần tây cụt mà xanh.

      Tôi học ở trường Trung học Petrus Ký tất cả 7 niên khóa liền 1956 – 1963. Tôi sẽ trình bày lòng thương nhớ Thầy Cô tôi với một ký ức sơ sài, chắc chắn tôi sẽ có nhiều sai sót, kính mong Thầy Cô lượng thứ. Bài này gồm có:
       I. Các Thầy Cô ở các lớp Trung học Đệ nhất cấp (4 niên khóa).
      II. Các Thầy Cô ở các lớp Trung học Đệ nhị cấp (3 niên khóa).
      III. Vài Thầy Cô có nhiều uy tín nhưng không có dạy tôi.
      IV. Kết Luận

Xem tiếp      Thương Nhớ Thầy Cô