marque

*** Chào mừng bạn đang ghé thăm trang web An Phong An Bình***

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2020

Điện thoại

Người xưa hằng mơ ước mình có thể thấy và nói chuyện được với người khác hiện đang cách xa vạn dặm; và từ đó người ta tôn thờ 2 vị thần “Thiên lý nhãn” và “Thuận phong nhĩ”. Vào thời buổi bây giờ (năm 2020), chuyện mơ ước đó đã thành sự thật từ lâu, mặc dầu vẫn còn có người mua tượng thần và tiếp tục chiêm ngưỡng. Bây giờ người ta có thể dùng video call (Google Meet, Skype, Zoom ...) để nói chuyện và nhìn thấy dung nhan của người nghe (thậm chí với nhiều người nghe cùng một lúc), đêm cũng như ngày, phần lớn đều miễn phí! Kết nối như vậy chỉ xảy ra trong “tích tắc”. Ngược dòng thời gian thì đây là một chuyển biến khá lớn lao, kéo dài qua nhiều năm tháng.

Người mình thường nói những việc như vậy là “gọi điện thoại” (và chưa thêm từ nào để nhắc nhở là mình có thể thấy được người nghe). Nói cho đúng hơn, thì phải cắt bớt từ “thoại”, vì “thoại” có nghĩa là nói. Cho ngắn hơn, có người chỉ dùng từ “điện” với ngụ ý là liên lạc với nhau bằng điện. Như vậy thì thiếu điện, người ta không thể liên lạc với nhau theo kiểu tân thời này. Tương tự như vậy, ngày xưa, trước khi có điện thì con người không thể điện thoại với nhau được.

Ai là người khám phá cách dùng điện thoại đầu tiên, đến nay vẫn chưa rõ. Chỉ biết rằng vào khoảng giữa thế kỹ thứ XIX, nhiều người đã có ý tưởng dùng điện để chuyên chở tiếng nói, đưa tiếng nói qua dây điện để một người ở đầu dây phía bên kia có thể nghe được tiếng nói của mình. Trẻ thơ ở Việt Nam ngày xưa không có điện, nhưng đã có trò chơi “nói cho nhau nghe” bằng cách dùng một sợi dây nối liền hai lon (rỗng) và một người nói, một người nghe. Các bé mau chóng nhận ra ngay: nếu dây không căng thì tiếng nói không rõ; dây càng dài thì tiếng nói càng nghe nhỏ hơn; nếu lon càng cách xa miệng hay cách xa tai thì tiếng nói nghe yếu hơn. Những nhận định như vậy, trẻ con chỉ biết nhưng không thể giải thích một cách khoa học. Phải đợi đến khi các em lên bậc trung học, học môn Vật lý, các em mới biết nguyên do vì sao.


Trở lại việc khám phá điện thoại, thì ông Alexander Graham Bell được cấp bằng sáng chế vào ngày 7 tháng 3 năm 1876. Nói một cách đơn giản, máy điện thoại gồm 1 mic để chuyển tiếng nói của người nghe thành 1 dòng điện, 1 loa để biến dòng điện thành âm thanh, và 1 dây điện nối kết mic với loa (trong trò chơi của trẻ con, chiếc lon rỗng vừa là mic và vừa là loa).

Nếu máy điện thoại chỉ giúp hai người nói chuyện với nhau, thì thật sự không hữu ích lắm vì trên thế giới có hàng tỉ người sống rải rác khắp năm châu. Ngày xưa người ta dùng dây điện nối liền các nơi trong thành phố và nối liền thành phố với thôn quê, dùng cáp quang dưới lòng đại dương để nối kết các nơi bị biển cả chia cách. Các việc này mặc dầu vẫn còn đang được dùng, nhưng đã là chuyện “xưa rồi, Diễm” vì bây giờ người ta đang dùng hệ thống vô tuyến và dùng vệ tinh để đưa tín hiệu từ nơi này đến nơi kia, khắp nơi trên địa cầu.

Để nối các máy điện thoại với nhau, người ta dùng phương pháp phân phối các cuộc gọi qua tổng đài (telephone switchboard, hoặc telephone exchange). Ngày xưa, khi anh A muốn gọi điện cho anh B, anh ấy phải quay chuông về tổng đài nhờ nhân viên ở đó nối đường dây với anh B qua số XYZ. Nhân viên ở tổng đài (phần  lớn là phụ nữ và trẻ em sẽ nối dây điện (từ ổ anh A gọi đến) vào ổ dành cho số XYZ. Cho đến một ngày khi công ty điện thoại có quá nhiều khách hàng, nhân viên ở tổng đài không đủ sức để nối kết các cuộc gọi theo lối “cắm dây” nữa và người ta nghĩ ra cách dùng máy để làm việc này. Ngày 10 tháng 3, năm 1891, ông Almon Strowger ở tiểu bang Kansas được cấp bằng phát minh Strowger switch để rồi sau đó người ta dùng trong việc tự động hoá cách nối kết đường dây điện thoại theo phương thức cơ điện (electro-mechanical).

Trước khi tìm hiểu người ta nối kết đường dây điện thoại trong thế kỷ trước như thế nào, chúng ta hãy xem người xưa quy định số điện thoại như thế nào (ở Bắc Mỹ). Năm 1947, công ty AT&T (American Telephone and Telegraph) đặt ra quy ước số điện thoại gồm 10 số: 3 số đầu là mã số vùng (area code), 3 số kế tiếp (prefix) là số của switch trong tổng đài địa phương, nối kết đường dây (line) điện thoại, 4 số cuối cùng (line number) là số của đường dây. Ở các quốc gia khác, số điện thoại có 7 số (Iceland), 8 số (Na Uy), 9 số (Ba Lan), 10 số (Nga), 11 số (Iran), hoặc không có con số nhất định (Ý). Ngoài ra, số điện thoại còn có thêm mã số dành riêng cho mỗi quốc gia (thí dụ như số 1 dành cho Bắc Mỹ, 84 dành cho Việt Nam…) và có số đặc biệt (thí dụ như số 0 dành cho tổng đài, số 911 dành cho cấp cứu ở Bắc Mỹ…). Muốn biết mỗi khi bạn “quay” số điện thoại, tổng đài phải làm những gì, mời bạn xem

Trong những năm gần đây, số người dùng điện thoại ngày một tăng và người ta càng ngày càng cần thêm số điện thoại mới. Ở Hoa KỳCanada, công ty bảo quản hệ thống điện thoại dùng một trong hai cách sau đây: i)  tách (split) một mã số vùng thành nhiều mã số khác; theo cách này nhiều số điện thoại trong vùng mã số cũ phải thay đổi (theo mã số mới); ii) dùng đầy đủ 10 số (overlaid) thay vì chỉ 7 số (không kể mã số vùng); theo cách này người ta không cần đổi số điện thoại, nhưng mỗi khi gọi điện thoại, người ta phải “quay” đủ 10 số! Muốn biết các mã số vùng ở Canada, mời bạn ghé thăm Canadian area codes.


Ngày 18 tháng 11, 1963, công ty Bell Telephone trình làng chiếc điện thoại điện tử đầu tiên (push-button phone), với 10 nút bấm cho số 0, 1, 2, …9 (thay vì 10 ổ số trong vòng quay). Năm 1968 người ta gắn thêm 2 nút dành cho * và #.  Khi bấm vào mỗi nút, bạn nghe tiếng “tò-tí-te” với âm thanh riêng biệt cho mỗi số (khác với tiếng “rẹc” cho số 1, “rẹc-rẹc” cho số 2… trong máy điện thoại có số quay). Đây là một bước ngoặc quan trọng khi người ta thay pulse dialing bằng tone dialing, lót đường cho hệ thống “touch-tone” sau này.

Ngày xưa, các máy điện thoại nối với tổng đài bằng dây điện và người ta gọi đường dây điện thoại là “landline” (ngay cả cho các cuộc gọi viễn liên, xuyên qua biển). Muốn sử dụng điện thoại kiểu này, công ty điện thoại phải nối “dây cái” vào đường dây điện thoại (trong nhà) của bạn. Thủ tục “xin” đường dây điện thoại (cho số mới) rất rườm rà và người sử dụng phải chờ đợi công ty điện thoại lắp dây. Vào thời buổi bây giờ (năm 2020), gần như không còn ai thích chọn loại đường dây kiểu này.

Tất cả chỉ vì sự ra đời của công nghệ vô tuyến (wireless technology) và kỹ thuật số (digital technology) vào năm 1969 khi máy điện thoại bị “đứt đuôi” (cordless) và tín hiệu truyền đi được số hoá (digitized). Ngày đó loại điện thoại “mẹ bồng con” ra đời, máy “mẹ” nối thẳng vào dây điện thoại của công ty điện thoại và liên lạc với các máy “con” qua mạng vô tuyến, với 1 tầng số riêng biệt của máy. Việc này làm người ta liên tưởng đến máy bộ đàm (walkie-talkie), một loại máy radio hai chiều (two-way radio) được dùng trong Thế chiến II, sau này được cải tiến và thương mại hoá thành món đồ chơi cho trẻ con (tương tự như trò chơi “nói cho nhau nghe” ở phần trên của bài này). Khác với các máy bộ đàm này, máy “mẹ bồng con” cho phép người sử dụng vừa nói, vừa nghe, nhưng trong phạm vi nhỏ hẹp hơn (trong vòng 20 m).


Đến năm 1973 máy điện thoại di động 1G (1st Generation) đầu tiên ra đời (mobile phone, hay cell phone); người sử dụng có thể vừa nói, vừa nghe. 10 năm sau, công ty Motorola tung ra thị trường mẫu điện thoại di động đầu tiên DynaTAC. M 8000x. Từ đó máy điện thoại thật sự “đứt đuôi”. Máy tự nhận và phát sóng radio (electromagnetic wave); ăng ten của công ty điện thoại chuyển sóng của máy điện thoại về “tổng đài” (PSTN - Public Switched Telephone Network) để kết nối với một máy điện thoại khác. Từ đó từ thành thị đến thôn quê, các cột ăng ten (cell-phone antenna, hay cell tower) thi nhau mọc lên, tạo nên hệ thống phủ sóng (digital cellular network) cho máy điện thoại di động. Nếu sóng từ máy của bạn bị “yếu”, hoặc tín hiệu từ cột ăng ten bị “yếu”, hoặc nằm quá xa các cột ăng ten, máy của bạn bị “mất sóng” và bạn không thể tiếp tục dùng “di động” nữa. Vì vậy người ta cần canh tân hệ thống phủ sóng bằng nhiều cách, thí dụ như gắn thêm nhiều cột ăng ten hơn, hoặc phát sóng mạnh hơn, hoặc mở rộng mạng lưới phủ sóng (cellular network).

Nếu bạn tò mò muốn biết điện thoại di động hoạt động như thế nào, mời bạn xem video clip sau đây

Xem xong rồi, có lẽ bạn muốn biết thêm về các cột ăng ten, gần nhà bạn. Dễ thôi, bạn chỉ cần vào trang cell tower map (Canada) và zoom-in vào vùng gần nhà bạn. Bạn sẽ thấy đầy đủ chi tiết về các cột ăng ten, thậm chí có những chi tiết bạn không dự định tìm; thí dụ như địa chỉ và toạ độ của cột, chiều cao của cột, phương vị (azimuth) và độ nghiêng (elevation) của ăng ten, công ty quản lý, năng suất (power) và tầng số thu phát sóng (transmission and reception frequency) … Nhiều người sống gần các cột ăng ten thường lo âu về việc cột ăng ten phát ra bức xạ (radiation) và lượng bức xạ (cao) có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Trên thực tế, người ta vẫn chưa tìm được mối liên hệ giữa bức xạ từ cột ăng ten + máy điện thoại di động với các căn bệnh quái ác (như ung thư). Nếu bạn muốn thử đo từ trường nơi bạn đang đứng, bạn có thể dùng 1 ứng dụng trong cell phone của bạn. Nhưng, sau khi biết được kết quả rồi, bạn sẽ làm gì?

Song song với sự tăng trưởng của mạng Internet, máy điện thoại cũng “ăn theo” và thay hình đổi dạng. Nói một cách đơn giản, máy điện thoại vào thời buổi bây giờ (năm 2020) chỉ cần 1 mic, 1 loa, nối kết với Internet và 1 software (softphone) để chuyển cuộc gọi vào Internet. Kỹ thuật này được mệnh danh VoIP (Voice over Internet Protocol) và có thể được dùng trong máy vi tính, laptop, tablet hay smartphone.

VoIP có cái hay, nhưng cũng có cái dở; thí dụ như VoiP có thể cập nhật softphone dễ dàng để cải thiện hoặc thêm các ứng dụng mới; nhưng VoIP cần có điện và nối kết với Internet; nếu mất đi 1 trong 2 thứ này, VoIP kể như "lúa"! Ngày nay, nhiều công ty cung cấp đường dây điện thoại đã chuyển sang cách dùng VoIP, nhưng họ vẫn không chịu giảm giá cho dịch vụ của họ. Có người nhận thấy “lỗ hổng” này nên đã tung ra thị trường những sản phẩm như Ooma,  ObiTalk | Google Voice, magicJack … mà người tiêu dùng có thể tự lắp ráp dễ dàng, lệ phí hằng tháng thấp, gọi Bắc Mỹ miễn phí và có thể sử dụng nhiều chức năng thông dụng như Call Display, Call Waiting, Call Forwarding, Voice Mail …  Nếu muốn biết

·        lợi/hại của VoIP, mời bạn đọc What is VoIP?

·        tình hình thị trường của VoIP, mời bạn đọc Canada VoIP Market Trends 2019-2024

·        công ty cung cấp dịch vụ VoIP gần nhà bạn, mời bạn ghé thăm https://www.gonevoip.ca/residential-voip/

·        công ty cung cấp dịch vụ Internet gần nhà bạn, mời bạn ghé thăm National Broadband Internet Service Availability Map

Ngày nay, từ thành thị đến thôn quê, gần như ai cũng đang sử dụng điện thoại di động, và rất nhiều người đang sử dụng mạng Internet. Những nơi ở vùng sâu, vùng xa, tín hiệu Internet rất yếu, có lúc được, lúc mất. Những nơi thưa người ở, tình trạng lại càng xấu hơn. Từ nhiều năm qua, người ta đã và đang cải tiến mạng Internet bằng nhiều hình thức khác nhau. Thay vì dùng vệ tinh trong quỷ đạo địa định (geostationary communication satellites) cách xa trái đất 22,300 dặm, với băng thông hạn chế (limited bandwidth), với tín hiệu bị trì trệ (latency - từ trái đất đến vệ tinh và từ vệ tinh trở về trái đất) và nhất là giá khá cao để đưa một vệ tinh truyền thông lên quỷ đạo địa định, người ta đã chọn một hướng đi khác: đưa 18,000 vệ tinh nhỏ, với giá thành rẻ, bay ở quỷ đạo thấp (LEO – Low Earth Orbit, cách mặt đất thấp hơn 1200 dặm) và với high bandwidth, trước năm 2025. Chương trình này tạo một mạng vệ tinh (Satellite internet constellation) bay quanh địa cầu ngày cũng như đêm, nhất là có thể phủ sóng toàn cầu! Một hướng đi khác là chương trình 5G (5th Generation) cho cellular networks, bắt đầu được thực hiện vào năm 2019, với những cột ăng ten 5G đang được tiếp tục dựng lên khắp nơi để giúp Internet chuyển nhiều data hơn, mau hơn và với mức trì trệ rất thấp. Mặc dầu các khoa học gia đảm bảo điện từ trường không ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, có người lại tung ra thuyết âm mưu (conspiracy theory) rằng công nghệ 5G sẽ gây nhiều chứng bịnh kỳ lạ cho con người. Năm 2020, khi bắt đầu cơn đại dịch Covid-19, nhiều người quá khích, tin theo thuyết âm mưu, đã đốt phá các cột ăng ten 5G ở nhiều quốc gia trên thế giới! Một điểm đáng quan tâm về chương trình 5G là tốc độ hạ tải (download speed) rất mau: từ 10 đến 100 lần mau hơn tốc độ trong chương trình tiền thân 4GLTE (LTE – Long Term Evolution). Nếu bạn tò mò muốn biết nơi nào trên thế giới đang có cột ăng ten 5G, mời bạn xem 5G coverage map worldwide. Bạn sẽ mau chóng nhìn ra Hoa Kỳ đang có rất nhiều cột ăng ten 5G, Thái Lan và Nam Hàn có rất nhiều cột ăng ten 5G so với các nước khác ở Đông Nam Á!

Nếu cell phone là một đột phá trong những năm ở cuối thế kỷ trước, thì smartphone là một đột phá rất quan trọng trong những năm đầu ở thế kỷ này. Vào năm 2020, gần như ai ai cũng đang dùng smartphone, trừ những người nghèo ở các quốc gia nghèo. Tại sao vậy? Muốn biết lý do, mời bạn xem Steve Jobs quảng cáo iPhone năm 2007.

Video này có phụ đề Anh ngữ và tiếng Việt. Muốn xem phụ đề Anh ngữ, bạn click vào Settings, chọn Subtitles/CC => English (auto-generated). Muốn xem phụ đề tiếng Việt, bạn click thêm >> Vietnamese.

Steve Jobs đã trình bày quá xuất sắc, nên những lời viết thêm cho smartphone kể như bằng thừa. Ai muốn biết thêm về smartphone, mời xem Smartphone.


Ngày xưa, tôi học chung với một anh bạn đồng môn cho đến ngày tốt nghiệp. Trước ngày tốt nghiệp, anh thành hôn với chị; ngày đó, tôi chỉ nghe tin nhưng không có dịp đến chúc mừng. Tốt nghiệp xong, chúng tôi mỗi người mỗi ngã. Bẵng đi đến mấy chục năm sau, cơ duyên đưa chúng tôi ngồi chung cùng bàn tiệc. Anh vẫn đẹp trai phong nhã như ngày nào. Chị là người phụ nữ tuyệt đẹp, với nụ cười khả ái, hiền hoà. Nhìn thoáng qua, ai cũng biết anh chị rất hạnh phúc. Tôi thật bàng hoàng, khi anh giới thiệu với tôi, chị là người không thể nói, không thể nghe, bẩm sinh! Nhìn kỹ hơn, tôi chợt thấy anh chị đang dùng chung một chiếc smartphone. Anh nói vào máy, máy dịch ra lời để chị xem. Chị bấm chữ vào máy, máy nói thành lời để anh nghe (với một giọng nữ ngọt ngào). Máy đã giúp anh chị không cần dùng ngôn ngữ làm bằng dấu nữa. Thật huyền diệu, thật tuyệt vời; tôi lại bàng hoàng thêm. Máy điện thoại ngày nay không còn đơn thuần là phương tiện để truyền tải âm thanh nữa; máy đã nối kết tình người!

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Bạn có biết?

Mời bạn nghe cô Linh San nói đôi lời, thay cho Lời Tựa sau đây:



Càng ngày chúng ta càng gắn bó mật thiết với Internet, gắn bó đến nổi khi không kết nối được với Internet, chúng ta cảm thấy hụt hẫng, như thiếu thốn một thứ gì rất cần thiết, rất quen thuộc. Nhiều ứng dụng mà trước đây chỉ được gắn trong máy tính cá nhân, nay đã từ từ được đem vào Internet. Thí dụ như Google có Docs, Sheets, Slides miễn phí và người sử dụng không cần mua các sản phẩm cập nhật của Microsoft Office như Word, Excel, PowerPoint. Mặt khác người ta không cần lưu trữ tài liệu trong máy tính cá nhân và có thể giữ tư liệu an toàn trong các thư mục “trên trời” (cloud). Chúng ta đang bước vào thế giới Web thế hệ thứ 3.0 với đặc tính “vô sở bất tại” (ubiquity) và thông minh nhân tạo (artificial intelligence). Trong bài này chúng tôi chỉ đề cập đến một vài ứng dụng trong máy tính, liên quan đến việc sử dụng bằng “tiếng Việt”.


Voice Typing trong Docs

Bạn có thể đọc những gì bạn muốn viết và Google sẽ “đánh máy” giùm bạn. Bạn cần kết nối vớihttps://www.google.com/; left-click vào icon “Google apps” ở góc phải/trên của màn hình. Chọn Trong Docs, chọn Tools => Voice Typing.   

Trong pop-up window, chọn “Tiếng Việt”.
 Mở microphone (nếu cần), click vào icon microphone và bắt đầu đọc.


Hiện giờ, ứng dụng này chưa được hoàn hảo (thí dụ như chưa hiểu được “dấu chấm”, “dấu phẩy”, “dấu hỏi”, “dấu than”, “xuống hàng”, “viết hoa”, “viết nghiêng”, “viết đậm”, …) và mình cần sử dụng “editing” (ở góc phải/trên của màn hình)
để được một văn bản hoàn hảo hơn (phiên bản Voice Typing cho tiếng Anh bây giờ đã khá hoàn hảo). Google Docs sẽ tự động lưu trữ văn bản của bạn dưới filename bạn cài đặt. Bạn có thể truy cập/sửa chữa văn bản này ở bất cứ nơi nào bạn có thể sử dụng Google (kể cả việc xoá bỏ, download, hay chuyển văn bản qua email, hoặc file sharing).

Nếu bạn không muốn dùng chức năng Voice Typing, bạn có thể sử dụng Docs tương tự như Word. Docs có 1 điểm son là nó sẽ tự động nhận dạng chữ bạn gõ (bằng tiếng Việt) và khi bạn chọn “Spelling and grammar” (trong “Tools”), nó sẽ tự động kiểm tra lỗi chính tả giùm bạn!

Kiểm tra lỗi chính tả tiếng Việt trong Word

Trong phiên bản tiếng Anh của Word, bạn có thể gõ chữ Việt. Muốn Word kiểm tra lỗi chính tả giùm bạn, bạn phải tự cài từ điển tiếng Việt vào máy của bạn và thực hiện các bước sau đây:

1.      Tải Từ điển tiếng Việt của Hồ ngọc Đức về máy của bạn.
2.    Save file này với filename Vietnamese_dictionary.dic trong C:\Users\xxxx\AppData\Roaming\Microsoft\UProof, “xxxx” là tên của máy bạn đang dùng.
3.     Trong Word, chọn File => Options => Proofing => Custom Dictionaries.
4.     Trong pop-up window Custom Dictionaries, điền vào File path  C: \ Users \ xxxx \ AppData \ Roaming \ Microsoft \ UProof.

5.     Chọn “New” và “Browse”, máy sẽ đưa bạn vào folder “…\Microsoft\UProof”; chọn “Vietnamese_dictionary.dic.
6.     Chọn “Add” và “Default”. Xong xuôi, bấm OK và đóng các windows “Custom Dictionaries”, “Proofing”.

TTS phiên bản đọc tiếng Việt

Song song với Voice Typing (hay Speech To Text), Google còn có một ứng dụng khác dùng để chuyển chữ viết thành tiếng nói (miễn phí), TextTo Speech, hay TTS. Bạn chỉ cần cài đặt extension Đọc Cho Tôi Nghe (Read Aloud: A Text to Speech Voice Reader) từ

và pin (gắn) extension này vào browser của bạn. Khi sử dụng, bạn chỉ cần click vào icon  và máy sẽ đọc những dòng chữ (Việt, Anh …) đang hiện trên màn hình. Bạn có thể mở email và nhờ Đọc Cho Tôi Nghe đọc giùm bạn. Tương tự như vậy, bạn có thể mở 1 trang Web, 1 văn bản dưới dạng DOCX, PDF (đã được đưa lên Internet) và nhờ Đọc Cho Tôi Nghe đọc giùm bạn. Xin lưu ý: bạn không thể đọc được các văn bản dưới dạng DOCX hay PDF nếu các văn bản này chỉ nằm trong máy của bạn. Như một thí dụ, quyển Homo Deus A Brief History of TomorrowHomo Deus Lịch Sử Tương Lai đã được vào Google Drive và bạn có thể mở 2 quyển này rồi dùng Đọc Cho Tôi Nghe đọc giúp bạn.

Giọng đọc trong Đọc Cho Tôi Nghe khá hoàn chỉnh; chỉ tiếc rằng người sử dụng không thể lưu lại bài đọc dưới dạng audio file. Hiện giờ (năm 2020) bạn có thể dùng Google để tìm các ứng dụng TTS đọc tiếng Việt khá chuẩn vừa có thể lưu lại giọng đọc trong 1 audio file. Nổi bật nhất là ứng dụng của FPT.AI  https://docs.fpt.ai/docs/vi/speech/api/text-to-speech dùng thông minh nhân tạo, phối hợp với 7 giọng đọc:

nữ - miền bắc: Ban Mai & Thu Minh; miền trung: Mỹ An; miền nam: Linh San & Lan Nhi           nam - miền bắc: Lê Minh, miền trung: Gia Huy.

Trong phiên bản thử nghiệm (beta version), muốn lưu lại bài đọc theo dạng MP3 file, người sử dụng FPT.AI/TTS cần phải đăng ký và được phép chuyển miễn phí mỗi tháng tối đa 100,000 ký tự (characters). Nếu dùng các văn bản dài hơn 100,000 ký tự, người sử dụng phải trả tiền.

Song song với các phát triển của Google, Windows 10 có Narrator, 1 ứng dụng đọc chữ trên màn hình qua giọng đọc tiếng Anh của người Mỹ, và tiếng Việt của bạn “An” (bạn cần add voice của bạn “An”, theo sự hướng dẫn trong Windows Home => Ease of Access => Narrator).

Nếu bạn không chú tâm lắm đến các ứng dụng TTS đọc tiếng Việt, bạn có thể dùng nhiều sản phẩm trực tuyến miễn phí cho các ngôn ngữ khác; thí dụ như Natural Readers với nhiều giọng đọc và downloadable MP3 file.

Dịch văn bản trên màn hình sang tiếng Việt

Từ nay, bạn không cần phải lo khi mở 1 email hay 1 trang Web với 1 ngôn ngữ lạ vì Google có thể dịch ngay sang tiếng Việt. Nếu máy của bạn có CPU với tốc độ nhanh và có RAM với lượng trữ cao, thì phiên bản tiếng Việt sẽ hiện ra trên dưới 1 giây! Bạn chỉ cần right-click vào trang bạn đang đọc và click “Translate to English” để mở window “Google Translate”, bấm vào “cột 3 chấm”, “Choose another language”, chọn “Vietnamese” và “Translate”.


Bạn sẽ có 1 phiên bản bằng tiếng Việt. Bạn có để ý rằng URL của bài đã dịch vẫn được giữ nguyên hay không? Nếu bạn muốn dịch lại (back-translate) bài này về dạng ngôn ngữ nguyên thủy, thì Google chỉ cần phục hồi trang URL, y chang như bản gốc. Bằng cách này Google Translate tránh được việc dịch ngược, dịch xuôi thành việc “tam sao thất bổn”!

Nếu bạn đã từng dùng ứng dụng này, trong các trang sau này, Google sẽ gợi ý việc chuyển ngữ sang tiếng Việt trong 1 ô ở góc phải/trên của màn hình và bạn sẽ có thể chuyển ngữ mau chóng hơn.

Mắt thần (Google Lens)

Camera trong smart phone không những chỉ có chức năng của 1 máy ảnh (dùng để chụp hình, hoặc quay video) mà còn có thêm nhiều ứng dụng khác, rất “thần kỳ”. Đây là thành quả của Google khi họ phối hợp thông minh nhân tạo (artificial intelligence) với kỹ thuật nhận dạng (image recognition technology) để tạo nên “mắt thần” (Google Lens, gọi tắt là Lens) dành cho Google smartphones. Mặc dầu Google đã thực hiện thành công ứng dụng này từ năm 2017, họ không quảng bá rầm rộ, nên ít ai biết đến. Hiện giờ người ta có thể sử dụng Lens trong Android, iPhone, iPad.

Muốn sử dụng Lens, trước hết bạn cần vào Google Play và gắn miễn phí (install) app này vào máy của bạn, với icon .

Bạn đừng quên cho phép Lens sử dụng camera của bạn (nếu không, app này không thể hoạt động được). Khi sử dụng, bạn chỉ cần bấm vào icon của Lens, hướng camera vào 1 vật nào đó; Lens sẽ giúp bạn biết thêm về vật đó, như lời chỉ dẫn của Giáo sư Huỳnh Chiếu Đẳng trong video clip sau đây


Bạn có thể mở Lens trong máy của bạn mà không cần “quẹt” trên màn hình; bạn chỉ cần nói: "Hey, Google: Open Google Lens". Hay quá, phải không bạn?

Nói chung, bạn có thể sử dụng Lens để:

·       Đọc barcode: (như trong video clip của Giáo sư Huỳnh Chiếu Đẳng)  hướng camera vào barcode, điều chỉnh vòng tròn màu xanh vào khoảng trung tâm của barcode, bấm nút “chụp hình”. Lens sẽ cho biết món đồ đó tên gì, thậm chí còn cho biết mình có thể mua đồ đó ở tiệm nào và với giá bao nhiêu.

·         Dịch chữ : (như trong video clip của Giáo sư Huỳnh Chiếu Đẳng)

·         Định dạng thú vật, thực vật: (như trong video clip của Giáo sư Huỳnh Chiếu Đẳng)

·         Copy chữ: hướng camera vào 1 trang sách, hoặc 1 trang trên màn hình (có text), hoặc 1 biên lai (receipt) … bấm icon “Document”. Bạn sẽ thấy các chỗ có chữ được highlight; bạn chọn đoạn text nào bạn muốn copy, rồi bấm “Copy”. Bạn có thể paste các chữ đó vào Word, email ...

·      Đọc chữ: hướng camera vào 1 trang sách, hoặc 1 trang trên màn hình (có text) như trong phần “Copy text” ở phía trên. Thay vì bấm “Copy”, bạn bấm “Listen”, máy sẽ đọc text (Read Aloud) giùm bạn.

·      Tìm hiểu món ăn trong Menu: biết thêm về 1 món ăn trong thực đơn ở nhà hàng, bạn chỉ cẩn hướng camera vào thực đơn, “tap” vào tên của món ăn, Lens sẽ cho bạn biết người ta dùng nguyên liệu gì để nấu món đó.

·       Tìm hiểu về building, cảnh vật: khi đi du lịch, bạn có thể muốn biết thêm về building, về bức tranh trưng bày trong bảo tàng viện … Bạn có thể dùng Lens và hướng camera vào building, vào bức tranh … bạn sẽ biết thêm rất nhiều chi tiết mà không cần hướng dẫn viên! 

·       Làm bài tập: Bạn có thể nhờ Lens làm bài tập về Toán, Vật Lý giùm bạn mà không sợ bị lỗi!


Bạn có muốn thử dùng Lens không?

Phụ đề Việt ngữ trên YouTube



Đôi khi, tình cờ, bạn xem 1 video clip trên YouTube bằng tiếng nước ngoài; thấy hay, nhưng bạn không thể hiểu hoàn toàn, chỉ vì ngôn ngữ bất đồng. Ước gì YouTube video clip có phụ đề Việt ngữ. Bắt đầu từ cuối năm 2021, YouTube cho phép người xem
tạo phụ đề bằng ngôn ngữ tự chọn; mặc dầu chưa hoàn hảo. 
Bạn cần left-click vào icon “cc” để YouTube tạo “Closed Captions”. YouTube sẽ tạo phụ đề trên video, và thêm vạch màu đỏ, ở phía dưới chữ “cc” để nhắc nhở bạn rằng video đã có thêm phụ đề.

Phụ đề này được dựa theo ngôn ngữ trong video; thí dụ như nếu video nói bằng tiếng Anh, phụ đề sẽ bằng tiếng Anh. Bạn có thể chuyển ngữ bằng cách left-click vào icon “Settings” hình răng cưa, bạn sẽ thấy 1 pop-up window như sau

Trong hình phía trên, phụ đề được máy tự tạo ra bằng tiếng Anh; bởi vì trong thí dụ này, video gốc nói tiếng Anh. Nếu left-click vào “English (auto-generated), bạn sẽ thấy 1 pop-up window mới như sau
Bạn left-click vào “Auto-translate” để bạn có 1 pop-up window mới

Bạn dùng chuột để kéo vạch đứng (chỗ mũi tên màu đỏ trong hình) xuống đến chữ “Vietnamese” (chỗ mũi tên màu vàng) và click vào chữ “Vietnamese”. Phụ đề sẽ được chuyển sang tiếng Việt.

Tại sao phụ đề không được hoàn hảo? Có 2 lý do:

  1. Phụ đề (tiếng Anh) trong video gốc có thể không hoàn hảo vì người nói không rõ, nên lập trình “Speech-to-Text” gặp khó khăn. Nói chung thì trong tiếng Anh “Speech-to-Text” khá hoàn hảo, nhưng chưa hoàn hảo lắm cho các video nói tiếng Việt (nhất là khi người phát âm có thêm giọng miền, thí dụ như “l” và “n” bị lẫn lộn, “r” phát âm thành “gh”, …
  2. YouTube dùng Google Translate để chuyển ngữ. Hiện giờ lối chuyển ngữ này đã khá hoàn chỉnh cho việc “dịch” từ tiếng Anh sang tiếng Việt, nhưng vẫn còn dùng chữ một cách ngây ngô. Mình phải còn chờ thêm 1 thời gian nữa để Google Translate tiếp tục cải thiện sản phẩm của họ (thí dụ như dùng trí tuệ nhân tạo trong việc chuyển ngữ).

Vào đầu năm 2022 có tin đồn YouTube đang sắp sửa tung ra 1 sản phẩm mới “auto dubbing” (tự động lồng tiếng) thay vì auto translation/captions như đã bàn ở phía trên. Cũng vào thời điểm đầu năm 2022, người ta cũng đã tung ra thị trường 1 vài sản phẩm auto dubbing, thí dụ như VideoDubber,  Visdee AiDubber, … giới hạn cho 1 số ngôn ngữ, và người sử dụng phải trả tiền! Có người bàn thêm về việc dùng trí tuệ nhân tạo trong auto dubbing để tiếng nói ăn khớp với hình và nhân dạng để người xem khó lòng biết được họ đang xem 1 dubbed video! Chúng ta hãy chờ xem. Ngày đó có lẽ nhóm người lồng tiếng không còn việc làm nữa!

Còn thêm 1 chi tiết thú vị nữa.

Nếu bấm vào 3 dấu chấm nằm ngang (ở chỗ có mũi tên màu xanh), bạn sẽ thấy 1 pop-up window như dưới đây.


Nếu bấm vào “Open transcript”, bạn sẽ thấy 1 bản dịch (transcript) với đầy đủ thời điểm và lời nói.



Thay Lời kết

Bài này không có lời kết vì người viết muốn giữ nó dưới dạng mở rộng nhằm tạo cơ hội cho việc ghép thêm các ứng dụng khác sau này. Trước khi có những bài tiếp nối, bạn có muốn Đọc Cho Tôi Nghe hay Narrator đọc giùm bài này không?