marque

*** Chào mừng bạn đang ghé thăm trang web An Phong An Bình***

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2022

Định mạng trong bàn tay

Khoa xem chỉ tay (Palmistry) là một khoa học kinh nghiệm, căn cứ trên các chỉ tay ở trên bàn tay mà tìm hiểu về đời người. Khoa này đã có từ lâu ở Đông cũng như ở Tây phương. Đến thời Trung cổ thì khoa này đã được phát triển mạnh, và đã chiếm địa vị ưu thế vào thế kỷ thứ 19.

Mỗi bàn tay đều có chỉ tay không giống nhau. Chúng ta có thể khám phá những gì đã xảy trong quá khứ trên lòng bàn tay của chúng ta mặc dầu ký ức đã phai mờ; và chúng ta có thể tiên đoán được những biến cố sẽ xảy ra trong tương lai nhờ quan sát các đường chỉ tay trên bàn tay.

Năm 1900, William G. Benham (Hoa Kỳ, 1853 - 1931), đã xuất bản quyển “The Laws of Scientific Hand Reading”, sách dày 661 trang gồm có rất nhiều hình bàn tay, ông đã phân tích và giảng giải cách xem bất cứ chỉ tay nào trong lòng bàn tay một cách khoa học. Quyển sách này đã được tái bản nhiều lần. Từ đó, nhiều nhà nghiên cứu chỉ tay đã nối gót ông. Nhiều nhà Tâm lý học (Psychologist) đã khám phá ra cá tính của thân chủ nhờ xem chỉ tay của họ. Nhà Tâm phân học (Psychiatrist) đầu tiên đã xuất bản quyển sách nghiên cứu về khoa xem chỉ tay trên quan điểm “Tâm phân học” vào năm 1848 là Dr. Carl Gustav Jung (Thụy sĩ, 1875 – 1961). Ông đã phân tích ý thức của một người căn cứ vào chỉ tay, và khám phá phần vô thức (unconscious) dựa vào chỉ tay của người đó.

Xem chỉ tay cũng giúp chúng ta được kết thân với nhiều bạn cũ và mới.

Người xem chỉ tay có thể quảng diễn ý nghĩa các chỉ tay trong lòng bàn tay của thân chủ dựa vào trình độ học hỏi và kinh nghiệm của mình về khoa xem chỉ tay. Các định luật coi chỉ tay thì rất giản dị và dễ dàng để học hỏi.

Điều cần lưu ý, nếu bạn xem chỉ tay cho người khác thì nhớ rằng chỉ tay không có sự chắc chắn 100 % những điều sẽ xảy ra. Nên bạn hãy nhớ các điều sau đây: 

- Đừng tiên đoán những điều có thể làm phật lòng thân chủ.

- Đừng tiên đoán những gì có thể xảy ra rất xấu cho thân chủ.

- Đừng tiên đoán khi bạn nghĩ rằng thân chủ sắp chết.

Không bao giờ nói đến cái chết của thân chủ. Tôi đã từng xem chỉ tay của một cụ ông trên 80 tuổi có đường Sanh đạo rất ngắn, ngược lại cũng có nhiều thanh niên có đường Sanh đạo rất dài nhưng bị chết non vì tai nạn.

Nói khác, chỉ tay không chắc chắn việc gì sẽ xảy ra một cách 100 %.

Chúng ta hãy nghĩ rằng chúng ta cảm thấy vui vẻ khi người khác nói điều tử tế về chúng ta thì bạn cũng làm điều này như vậy.

Sách “Xem chỉ tay” (Palm reading) giúp giải trí, đọc cho vui và thư giản. Định mạng trong bàn tay (Your destiny in your hands) của chúng ta có nghĩa là chúng ta nắm trong tay định mạng của mình. Vì vậy hãy luôn luôn cố gắng phấn đấu (struggle for life) để có thể cải thiện định mạng mình. Nếu chỉ tay của bạn tốt thì không có nghĩa là bạn chẳng phải làm gì cũng có ăn, và ngược lại nếu chỉ tay của bạn xấu thì không có nghĩa là bạn buông xuôi tất cả và phó mặc cho số mạng.

Cuốn Định Mạng trong bàn tay được viết ra với mục đích cung cấp những hiểu biết căn bản về Khoa coi chỉ tay cho độc giả bình thường (general reader). Sau khi độc giả đã đọc hết quyển sách này từ đầu đến cuối thì độc giả có thể tự xem chỉ tay cho chính mình. Nhờ vậy, độc giả có thể hiểu sâu xa hơn về nhân cách, cá tính, tài năng, sức khỏe, tiền tài, sự thành công, tình yêu, tình dục và triết lý sống của chính mình.

Hy vọng quý độc giả sẽ vui thích (enjoy) khi đọc và tìm hiểu khoa xem chỉ tay trong quyển sách khảo cứu này cũng như chúng tôi đã vui thích và say mê khi nghiên cứu khoa xem chỉ tay để biên soạn quyển sách này.

Chúng tôi chân thành cám ơn người bạn đồng môn, NKP (Petrus Ký 1956 – 1963), đã không quản thời giờ và tận tình giúp đỡ chúng tôi hoàn thành quyển sách này.

Cám ơn quý độc giả đã dành nhiều thời giờ quý báu để đọc và chia sẻ quyển sách khảo cứu này.

Việc biên soạn chắc chắn không tránh khỏi những chỗ sai sót, chúng tôi ước mong được sự lượng thứ của các bậc cao minh. Những sửa sai và bổ khuyết của quý vị độc giả sẽ giúp cuốn sách khảo cứu này được đầy đủ và hoàn hảo hơn trong lần viết lại; đó quả là niềm vinh hạnh cho chúng tôi.

 

Toronto, ngày 15 tháng Hai năm 2022

 Tác giả cẩn chí,

Nguyễn Vĩnh Thượng


Muốn xem trọn quyển sách, xin bấm PDF, hoặc flipbook

Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

Chứng chỉ và văn bằng tốt nghiệp ở miền Nam trước 1975

 Y Nguyên Mai Trần

Bài viết sưu khảo này dựa vào những nhận thức và kinh nghiệm của người viết sinh ra trong thập kỷ 1940s thừa hưởng một nền giáo dục khai phóng ở miền Nam. Từ ngôi trường đơn sơ trong xóm nhỏ rồi bước sang ngưởng cửa tiểu học, trung học, đại học trong suốt một quá trình dài 15 năm, trong mỗi giai đoạn đánh dấu bằng sự xét nghiệm với những mảnh bằng hay chứng chỉ tốt nghiệp mà các cơ quan giáo dục cấp phát .Với những chứng chỉ mảnh bằng ấy những người tốt nghiệp đã tham gia vào đời sống kinh tế, cộng đồng xã hội giáo dục một cách hiệu quả và thành công.

Bài viết sẽ không đề cập chuyên sâu về lịch sử, khía cạnh chính trị, triết lý và hệ thống tổ chức của nền giáo dục miền Nam (Thời Pháp thuộc cũng như thời Việt Nam Cộng Hòa) vì những khía cạnh này đả được đề cập đến từ khá nhiều tài liệu trên mạng cũng như sách vở. Ngày 21/12/1917 Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut ký nghị định ban hành tổng quy chế nền học chính toàn cõi Đông Dương. Văn bản được xem như bộ luật giáo dục với mục tiêu thống nhất nền giáo dục bản xứ, tiến tới xóa bỏ nền giáo dục cũ. 

Hệ thống Giáo Dục Pháp Cho Người Bản Xứ (Enseignement Franco-Indigène), thường được gọi là Giáo Dục Pháp-Việt được dựa vào hệ thống giáo dục của chính quốc, đã được người Pháp ở Việt Nam điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh và thực tế tại Việt Nam. Tuy tiếng Pháp vẫn dùng là chính ngữ, tiếng Việt là phụ ngữ, mục tiêu tối hậu là loại bỏ Nho học và thay thế dần bằng một hệ thống giáo dục phục vụ cho người bản xứ và guồng máy cai trị. 

Hệ thống giáo dục mới được hình thành sau khi Pháp chiếm Nam kỳ. Với Hòa ước Giáp Tuất 1874 Nam kỳ trở thành thuộc địa Cochinchine và Hòa ước 1883-84 Patenôtres đặt Bắc kỳ -Tonkin và Trung Kỳ-AnNam dưới quyền bảo hộ. Mặc dù triều đình Nguyễn được cai trị ở Huế, nhưng chịu sự kiểm soát chặt chẻ của Toàn Quyền Đông Dương. Tưởng cũng xin nhắc lại Liên Bang Đông Dương-L’Indochine gồm Lào, Cao Miên và ba miền của Việt Nam, cơ sở đầu não đặt tại Hà Nội, dưới quyền của Toàn Quyền Đông Dương. 

Để đọc trọn bài, xin bấm vào đây.

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Tư tưởng thiền học của Tuệ Trung Thượng Sĩ

                       

Gs Nguyễn Vĩnh Thượng

 

                    Trong chương này, tôi sẽ trình bày:

                           I. Tiểu sử của Tuệ Trung Thượng sĩ.
                           II.Tinh thần phá chấp triệt để:
                                  A. Vấn đề ăn chay và ăn mặn.
                                  B. Vấn đề giới luật.

                           III. Pháp môn bất nhị.
                           IV. Tinh thần “hoà quang đồng trần”.
                           V. Vấn đề sống chết.
                           VI. Kết luận về Tuệ Trung Thượng sĩ.

 

I.           Tiểu sử của Tuệ Trung Thượng sĩ (1230 – 1291):

                 Tuệ Trung là Pháp danh, tục danh là Trần Tung hay Trần Quốc Tung. Ông là con trưởng của Trần Liễu, anh ruột của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Hoàng Hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm (vợ của vua Trần Thánh Tông và là mẹ của vua Trần Nhân Tông).

                 Ông là một tôn thất nhà Trần dưới vương triều Trần Thánh Tông. Thuở nhỏ, Trần Tung bản chất thông minh.Lớn lên có sức học uyên bác về nội điển (Kinh sách Phật giáo) và ngoại điển (các sách vở ở ngoài Phật giáo như Tứ Thư, Ngũ Kinh . . .). Nhờ ông đã có thiện duyên học hỏi các vị đại sư tài giỏi người Việt Nam và Trung Hoa, nên ông đã trở thành một cư sĩ thâm cứu sâu xa giáo lý nhà Phật và đã đạt được yếu chỉ của Thiền tông. Ông tu tại gia, có vợ con và hầu thiếp (xem thêm phần Thượng sĩ hành trạng ở cuối cuốn sách Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục).
        Ông đã từng cầm quân đánh đuổi giặc ngoại xâm Nguyên-Mông hai lần (1285 và 1287-1288). Sau khi kháng chiến thành công, Trần Tung được phong chức Tiết Độ Sứ cai quản quân dân ở đất Lộ Hồng (hay Hồng Lộ). Lộ Hồng vào thời Trần là một lãnh địa rất quan trọng về chiến lược đối với Kinh đô Thăng Long. Vào thời Lê, Lộ Hồng gọi là trấn Hải Dương. Lộ Hồng vừa là vựa lúa, vừa là vùng đất án ngữ để bảo vệ mặt phía Đông của Kinh Đô, ngăn cuộc tấn công, nếu có, của địch quân từ biển Đông. Sau đó không lâu, ông lui về ấp Tịnh Bang (nay là huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng). Rồi ông đổi tên là “Vạn Niên Hương” (Quê hương muôn tuổi), và lập “Dưỡng Chân Trang” để tạo cảnh yên tĩnh và tu hành thiền đạo. Đây không phải là chùa, không phải là am, mà là một “dã thự” , một biệt thự nơi thôn dã, có nhà, có vườn với một vùng phong cảnh xanh tươi khoáng đạt; đây chính là nơi ẩn cư của ông. Nơi đây, Ông giảng dạy Phật pháp cho mọi người: dân, quan, vua, và dìu dắt người sơ cơ.
           Vua Trần Thánh Tông rất kính nể kiến thức uyên bác của ông nên vua tôn ông là sư huynh và ban cho hiệu là Thượng Sĩ (1) , còn nhờ ông dạy Phật học, thiền học cho Thái Tử, sau này là vua Trần Nhân Tông.

 

Xem thêm: Tư tưởng thiềnhọc của Tuệ Trung Thượng Sĩ trang (154 - 194)

Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2020

Kỷ Yếu Triển Lãm và Hội thảo TRƯƠNG VĨNH KÝ

Cuộc triển lãm và buổi hội thảo về ông Trương Vĩnh Ký đã được tổ chức quy mô vào ngày 8 tháng 12 năm 2018 tại tòa soạn nhật báo người Việt tại Little Saigon, Nam California.

Để gìn giữ những hình ảnh vả bài viết quý báu trong dịp này, Ban Tổ chức Hội thảo đã xuất bản Kỷ yếu Triển Lãm và Hội thảo TRƯƠNG VĨNH KÝ vào tháng 9 năm 2019.

Vào tháng 11 năm 2020, một thân hữu của  chúng tôi - Bà Phạm Lệ Hương - gửi tặng quyển kỷ yếu này và nhờ chúng tôi phổ biến rộng rãi. Chúng tôi chân thành cảm ơn bà và mời bạn đọc quyển kỷ yếu này dưới dạng Flipbook

https://online.fliphtml5.com/edkn/jgza


Thứ Năm, 3 tháng 12, 2020

Đọc “Đường vào Quán Văn” của Lương Minh

 

GS.  Nguyễn Vĩnh Thượng

                 Quyển “Đường vào Quán Văn” là tuyển tập các bài bút ký của Lương Minh. Tác giả viết về văn hoá, xã hội và kinh tế ở miền Nam. Sách này có thể thỏa mãn được nhiều đọc giả ở trong nước cũng như ở nước ngoài muốn tìm hiểu các vấn đề này, nên quý vị không thể không đọc quyển sách này. Tác giả dùng lối văn giản dị và chơn chất, tác phẩm này có tính đại chúng và dồi dào với những tình tự của dân Nam Bộ. Nội dung của quyển sách được tác giả phân làm 6 đề mục:

             1.-Nghề báo và tôi:  Gồm những bài nói về những bước đầu của tác giả khi bước vào nghề làm báo, viết văn. Thú đam mê đọc sách của Lương Minh từ khi còn học ở các lớp tiểu học cho đến khi là sinh viên Đại học và cho tới tận ngày nay.

              2.-Nhân vật:  Gồm các bài viết về các nhà văn lão thành và sự liên hệ với tác giả. Như Sơn Nam chuyên viết về lịch sử khẩn hoang ở miền Nam, có lẽ Lương Minh đã chịu ảnh hưởng về văn phong theo lối Nam Bộ của Sơn Nam. Như nhà thơ lão thành Phong Tâm với rất nhiều bài thơ rung động lòng người, Phong Tâm là bạn văn của Sơn Nam, Kiên Giang trước 1975. Như nhà biên khảo đầy uy tín Nguyễn Hiến Lê v... v...

               3.-Câu chuyện về chợ:  Gần 20 năm buôn bán ở Chợ với nhiều kỷ niệm đã ghi dấu ấn vào tiềm thức Lương Minh nên ông thích viết về văn hoá chợ: từ Chợ đầu mối đến chợ bán lẻ, “Chợ nổi” ở Cái Bè, và thị trường sách vở: từ sách cũ đến sách mới đại hạ giá. Lại còn có những món ăn nổi tiếng như “gạo nàng thơm chợ Đào” ở xã Mỹ Lệ thuộc quận Cần Đước,  tỉnh Long An v... v...

                4.-Du lịch: Như những video clip về du lịch, bằng lời văn mộc mạc, chơn chất Lương Minh dẫn dắt đọc giả đi đến các quán ăn nổi tiếng như Cháo lòng, bánh mì ở An Lạc, Bình Điền, thịt kho nước dừa, tép rang nước dừa, củ hủ dừa ở Bến Tre cùng với những sản phẩm thủ công nghệ được làm từ dừa cũng ở Bến Tre. Đi tham quan các ngôi nhà cổ và mộ xưa ở Gò Công. Đi đến “Tràm Chim” ở Đồng Tháp Mười, đây là khu rừng thuộc huyện Tam Nông và là khu bảo tồn loài sếu đầu đỏ và nhiều loại chim quý khác.

       Đến Ngan Rô ở huyện Trần Đề, thuộc Tỉnh Sóc Trăng, để viếng nhà thờ Ngan Rô, bên trái khuôn viên có thờ cha Trương Bửu Diệp, một vị Linh Mục đạo cao đức trọng và rất linh thiêng.  Đến Sóc Trăng thưởng thức “bánh Pía” có nhân đậu xanh trộn với sầu riêng thơm ngon mà rất nhiều Việt kiều rất ưa thích.

        Tác giả còn dẫn người đọc đi Đà Lạt đến xem thung lũng Hoa Đào, đến ngắm Hồ Xuân Hương. Đi Hà Nội để thưởng thức cà-phê ở đất ngàn năm văn vật.  Đi thưởng lảm cảnh chợ ở Tuyên Quang. Văn hóa chợ là điều mà tác giả thích sưu tầm.

                5.-Đi Chùa:  Đi chùa lễ Phật là tập tục của người theo đạo Phật hay đạo thờ ông bà. Tác giả dẫn người đọc đi theo các cuộc hành hương vào ngày đầu xuân. Đi viếng chùa Tiêu ở huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc, và viếng nhiều chùa được xây cất rất hoành tráng ở phương Bắc đã thu hút rất nhiều khách du lịch, giúp kinh doanh phát triển về “ngành du lịch tâm linh”.

          Tác giả lại dẫn người đọc đến Chợ Thiếc ở quận 11, Sai Gon để biết nghề làm vàng mã, sản xuất đủ các loại làm bằng giấy để đốt cúng cho người đã chết như nhà lầu, xe hơi, xe gắn máy, cell phone v...v...

               6.-Chơi chơi cũng kiếm ra tiền:  Nghề chơi cũng lắm công phu. Nhiều khi lúc đầu chỉ là đồ chơi mà lại ăn thiệt: bán ra kiếm lời nhiều. Như chơi kiểng, nuôi chim, chơi tranh, chơi vé số kiến thiết cũ, chơi tem thư cũ.

       Cuối cùng tác giả kết thúc quyển sách bằng bài nói về “đám giỗ xưa và nay”. Đám giỗ là một tục lệ đáng quý của dân mình để có cơ hội gặp bà con thân thuộc, lối xóm có dịp gặp nhau trao đổi tâm tình. Tóm lại, quyển Đường vào Quán Văn có thể thỏa mãn cho các đọc giả muốn tìm hiểu về văn hóa, xã hội và kinh tế miền Nam.

 

             Lương Minh sanh ngày 19 tháng 12 năm 1952 tại tỉnh Vĩnh Long. Lương Minh xuất thân từ trường tiểu học Nam tỉnh lỵ Vĩnh Long, rồi trường Trung học Tống Phước Hiệp, Vĩnh Long, sau đó học được một năm ở trường Đại Học Luật Khoa Saigon và đồng thời ghi danh khoa Sử ở trường Đại học Văn Khoa Saigon. Sau năm 1975, Minh Lương về quê ở Chợ Lách kiếm sống bằng việc buôn bán ở chợ gần 20 mươi năm. Cuộc sống này đã gây nhiều kỷ niệm cho ông. Là người đã sống qua hai chế độ, Lương Minh biết nhiều, trải nghiệm sống nhiều. Ông đã hiểu biết về định hướng văn nghệ trong chế độ mới thỉnh thoảng viết bài gởi đăng báo Xuân, và các báo định kỳ. Minh Lương muốn thay đổi công việc buôn bán ở chợ. Ông đã đem “quách cả sở tồn làm sở dụng” vận dụng trong các bài viết cho đúng khuôn mẫu được quy định. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Báo chí trường ĐH.Khoa học nhân văn TPHCM, ông xin vào làm phóng viên báo Con Thoi của Bộ Tài Chánh khoảng năm 1994. Sau đó làm Biên tập viên cho báo Tài chính Thị trường , trong thời gian này LM cộng tác với nhiều báo ở Sài Gòn như Sài Gòn Giải Phóng, Thanh Niên, Doanh Nhân Sài Gòn, Sài gòn Tiếp thị, Thị trường chủ nhật, Bà Rịa Vũng Tàu ở các mảng Chứng Khoán, Ngân hàng. Lúc ấy ông đã tròn trèm 40 tuổi, cái tuổi mà Khổng Tử  đã nói:  “Tứ thập nhi bất hoặc” (có nghĩa tới 40 tuổi thì không còn bị mê hoặc tức là hiểu được lý sự trong thiên hạ, biết điều gì nên làm và điều gì không nên làm)

         Lương Minh đã xuất bản nhiều tác phẩm và vẫn còn tiếp tục viết cho nhiều đặc san, báo chí trong nước. Đọc các bài viết của ông, chúng ta thấy ông chuyên về văn hoá, xã hội và kinh tế. Ông không viết về chính trị, về các vấn đề nhạy cảm. Nhờ vậy, sự nghiệp viết văn của LM như “thuyền đi theo gió xuôi” và sẽ còn phát triển thêm nữa.

                 Kinh nghiệm sưu tầm, đọc sách, viết lách cộng thêm những trải nghiệm sâu rộng cùng với những suy tư sâu sắc đã giúp anh thành công tốt đẹp trong việc hình thành Đường Vào Quán Văn. Rồi đây, Minh Lương sẽ có một chỗ đứng trong lịch sử văn học miền Nam vậy.

 

Toronto, ngày 26 tháng Giêng năm 2021.

 Nguyễn Vĩnh Thượng

                          

 

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Tổng quan về Văn học thời Trần

 

             Gs Nguyễn Vĩnh Thượng

 

             Trong chương này, chúng tôi sẽ trình bày:

                  I.-Các sáng tác viết bằng chữ Hán.
                  II.-Các sáng tác viết bằng chữ Nôm.
                  III.-Kết luận về văn học thời Trần - Hậu Trần.      

 

           Văn học thời Trần là giai đoạn văn học Việt Nam trong thời kỳ lịch sử của nhà Trần (1225 – 1400). Văn học thời Trần tiếp nối văn học thời Lý, đã phát triển nền văn học viết song song với nền văn học truyền khẩu trong lịch sử văn học nước ta.Trong thời nhà Minh xâm lược (1414 – 1427), họ đã đốt nhiều sách vở của nước ta hoặc họ mang về Tàu, nên có nhiều tác phẩm chỉ còn có cái tên tựa mà thôi.

                Văn học thời Trần có những sáng tác được viết bằng chữ Hán bên cạnh đó còn có một số sáng tác được viết bằng chữ Nôm.

 

I.-Các sáng tác viết bằng chữ Hán:

                 1.-Thơ :

                      Sáng tác quan trọng của văn học thời Trần là thơ.

                      Có nhiều tập thơ của các vị vua như:
                               -Thái Tông ngư tập của Trần Thái Tông.
                               -Thánh Tông thi tập của Trần Thánh Tông.
                               -Nhân Tông thi tập của Trần Nhân Tông.
                               -Thủy Vân tuỳ bút của Trần Anh Tông.
                               -Minh Tông thi tập của Trần Minh Tông.
                               -Nghệ Tông thi tập của Trần Nghệ Tông.

                    Có nhiều thi tập của Vương hầu, quan lại và thiền sư:
                               -Lạc đạo tập của Trần Quang Khải.
                               -Đoạn sách lục của Sư Pháp Loa.
                               -Ngọc tiên tập của Sư Huyền Quang.
                               -Phi sa tập của Nguyễn Thuyên/ Hàn Thuyên.
                               -Tiều ẩn thi tập của Chu An/ Chu Văn An.
                               -Cúc hoa bách vịnh của Trương Hán Siêu.
                               -Giới Liêm thi tập của Nguyễn Trung Ngạn.
                               -Hiệp Thạch tập của Phạm Sư Mạnh.
                               -Băng Hồ Ngọc Hác tập của Trần Nguyên Đán.
                                V…V…

                     Thêm vào đó còn nhiều bài thơ của Phạm Ngũ Lão, Mạc Đỉnh Chi, Đặng Dung v… v…

                     Nội dung các bài thơ phản ảnh tình cảm hiện thực và tình yêu đất nước đậm đà.

                    Sau đây là vài bài thơ chữ Hán tiêu biểu:

                       *Trần Thánh Tông (1240 – 1290):

*-Bài Hạ Cảnh

-Nguyên văn chữ Hán:

  




 

-Phiên âm Hán Việt:

 

Hạ cảnh

Yểu điệu hoa đường trú ảnh trường,
Hà hoa xuy khởi bắc phong lương.
Viên lâm vũ quá lục thành ác,
Tam lưỡng thiền thanh náo tịch dương.

 

-Dịch nghĩa:

 

                   Cảnh mùa Hè.

  Trong chốn thềm hoa thăm thẳm, bóng nắng rủ dài,
  Mùi sen thơm đưa hương mát thổi vào cửa sổ phiá Bắc.
  Ngoài vườn rừng mưa vừa tạnh, trên vườn như phủ một tấm thảm xanh biếc,
  Vài ba tiếng ve kêu dưới bóng trời chiều.

 

-Dịch thơ:

 

   Cảnh mùa hè

Ngày dài thăm thẳm bóng thềm hoa,
Mát dịu mùi sen thổi trước nhà.
Mưa tạnh, trên vườn màn biếc phủ,
Tiếng ve réo rắt dưới trời tà.
         (Ngô Tất Tố dịch)

 

*-Bài Cung Viên Xuân Nhật Ức Cựu

 

-Nguyên văn chữ Hán:
 

  

 




 

-Phiên âm Hán Việt:

 

Cung viên xuân nhật ức cựu.

 

Cung môn bán yểm kính sinh đài,
Bạch trú trầm trầm thiểu vãng lai.

Vạn tử thiên hồng không lạn mạn,
Xuân hoa như hử vị thuỳ khai?

 

-Dịch nghĩa:

 

       Ngày xuân trong vườn thượng uyển nhớ người xưa.

  

Vườn đó, ngoài cửa Cung hé mở, lối đi rêu mọc,
Giữa lúc ban ngày mà cảnh buồn hiu ít có người đi lại.
Thế nhưng muôn tía nghìn hồng vẫn đua tươi rực rỡ,
Hoa xuân kia có còn vì ai mà nở mãi mãi không?

 

-Dịch thơ 1:      

 

       Vườn cung ngày Xuân nhớ người cũ.


Cửa ngõ lờ mờ dấu bụi rêu,
Chầm chậm ngày bạc vẻ đìu hiu.
Đầy vườn rực rỡ hồng chen tía,
Hoa khéo vì ai vẫn nở nhiều.

      (Ngô Tất Tố dịch) 

 

-Dịch thơ 2:  

 

Cửa cung khép mở, lối rêu nhoà,
Chầm chậm ngày trôi, vắng lại qua.
Hồng tiá luống phô muôn sắc thắm,
Vì ai xuân nở đẹp trăm hoa?
        (Bản dịch của Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học, Toàn Việt thi lục (tập I), Lê Quý Đôn, Hà Nội:
NXBVăn Học, 2019)
    

                      *Trần Nhân Tông (1258 – 1308)

  Vua Trần Nhân Tông hai lần lãnh đạo kháng chiến thắng quân Nguyên Mông, đứng trước buổi sáng mùa xuân, tâm hồn Ngài rung động trước cảnh đôi bướm trắng đang theo đuổi nhau, bay lượn trước những bông hoa rực rỡ. Vẻ xuân thật đẹp trong

 

*-bài Xuân Hiểu:

-Nguyên văn chữ Hán:

  

 




 

-Phiên âm Hán Việt:

 

Xuân hiểu

Thuỵ khởi khải song phi,
Bất tri xuân dĩ quy.
Nhất song bạch hồ điệp,
Phách phách sấn hoa phi.

 

-Dịch nghĩa:

 

     Buổi sáng sớm mùa Xuân.

 

Sau khi ngủ dậy, mở cánh cửa sổ,
Không ngờ ngày xuân đã tới.
Một đôi bướm trắng,
Đang theo nhau bay đến những bông hoa.

 

 

-Dịch thơ:

      Buổi sáng sớm mùa Xuân.

 

Ngủ dậy ngỏ song mây,
Xuân về vẫn chửa hay.
Song song đôi bướm trắng,
Phấp phới sấn hoa bay.
    (Ngô Tất Tố dịch)

 

 

*-Bài Thiên Trường vãn Vọng

 

-Nguyên văn chữ Hán:

 

  

 




 

-Phiên Âm Hán Việt:

 

Thiên Trường vãn vọng

 

Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô, bán hữu tịch dương biên.
Mục đồng địch lý quy ngưu tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền.

 

-Dịch nghĩa:

 

      Đứng ở Phủ Thiên Trường trông ra xa xa.

 

Đứng ở Thiên Trường, trông ra xa, nơi trước làng sau đều lờ mờ như đám khói nhạt.
Dưới bóng hoàng hôn, nắng chiều dường như có lại dường như không.
Trẻ chăn trâu thổi kèn dẫn trâu về hết,
Từng đôi cò trắng rủ nhau bay xuống ruộng.

 

-Dịch thơ:

 

           Phủ Thiên Trường buổi chiều đứng trông.

Trước xóm, sau thôn tựa khói lồng,
Bóng chiều man mác, có dường không.
Theo hồi kèn mục, trâu về hết,
Cò trắng thi nhau liệng xuống đồng
.
   
(Ngô Tất Tố dịch)


 

                        *Trần Minh Tông (1298 – 1356)

 

*-Bài Bạch Đằng Giang:

 

-Nguyên văn chữ Hán:

 

  






 

-Phiên Âm Hán Việt:

 

 

Bạch Ðằng giang

 

Vãn vân kiếm kích bích toàn ngoan,
Hải thẩn thôn triều quyển tuyết lan.
Xuyết địa hoa điền xuân vũ tễ,
Hám thiên tùng lại vãn sương hàn.
Sơn hà kim cổ song khai nhãn,
Hồ Việt doanh thâu nhất ỷ lan.
Giang thuỷ đình hàm tà nhật ảnh,
Thác nghi chiến huyết vị tằng can.

 

 

-Dịch nghĩa:

 

Sông Bạch Đằng.

 

1.-Núi xanh biên biếc cao ngất trời, tua tủa như gươm giáo kéo lấy mấy tầng mây,
2.-Hải thần như nuốt lấy thủy triều cuộn thành những làn sóng bạc đầu như tuyết.
3.-Hoa rơi tô điểm mặt đất lúc mưa xuân vừa tạnh,
4.-Tiếng thông reo rung chuyển bầu trời khi sương chiều lạnh lẽo.
5.-Non sông này xưa nay đã hai lần mở mắt,
6.-Cuộc được thua giữa Hồ Việt thoáng qua như đứng tựa vào lan can.
7.-Nước sông in bóng mặt trời chiều đỏ ối,
8.-Ngỡ như là máu chiến trường năm xưa vẫn chưa Khô.

 

 

-Dịch thơ:

 

Sông Bạch Đằng.

Chạm mây gươm giáo, xanh von vót,
Sóng tuyết khi đầy lại lúc vơi.
Mưa tạnh hoa phô vàng mặt đất,
Sương lừa thông réo tiếng vang trời.
Non sông kim cổ hai lần dậy,
Hồ Việt hơn thua, một thoáng thôi.
Chan chứa dòng sông ngầu bóng xế,
Ngỡ là máu giặc hãy còn tươi.

  (Bản dịch của Đào Phương BìnhNam Trân
   Nguồn: Thi Viện Website, Internet)

 

 

Phụ thêm: Nhạc tiền chiến (1938 – 1954), sử ca.

Độc giả có thể nghe tốp ca  trên youtube.

Trên Sông Bạch Đằng

Tác giả: Hoàng Quý

 

Trên sông Bạch Ðằng
Quân Nam ầm reo
Sóng nước vang đưa
Bao con thuyền mành trôi theo
Cờ bay gươm tuốt ra, quân vùng lên
Làm cho đuổi tan hết quân Nguyên
Ðến bây giờ mỗi khi đi trên sông Bạch Ðằng
Thì anh em ta vui ca rằng :
Con sông Bạch Đằng
nước trôi triền miên
có biết đâu bao năm qua là mộ quân Nguyên
ai nhớ thương
cho quân Việt hết
Ðến bây giờ mỗi khi đi trên sông Bạch Ðằng
Thì anh em ta vui chiến thắng

 

 

                        *Trần Quốc Tuấn/Trần Hưng Đạo (1230 – 1300):

 

                                Năm 1257, lần đầu quân Nguyên Mông sang đánh nước ta, Trần Quốc Tuấn được cử cầm quân ở biên thùy phiá Bắc. Quân Nguyên Mông lại đem quân đánh nước ta 2 lần nữa vào năm 1285 và 1287, Ông đã được vua Trần Nhân Tông cử làm “Tiết Chế Thống Lĩnh các đạo quân”, hai lần đều đem thắng lợi vẻ vang cho nước Đại Việt.

                                Năm 1285, ông đã viết bài hịch “Dự Chư Tỳ Tướng Hịch Văn” (Bài Hịch Dụ các Tỳ Tướng) trong cuộc kháng chiến lần thứ ba (1284 – 1285) với quân Nguyên Mông. Bài hịch đưa cho tướng sĩ là lời khuyến dụ các tướng sĩ trước giờ phút thử thách quyết liệt: 50 vạn quân Nguyên Mông chuẩn bị tiến công xâm lăng nước ta.

                                Trong bài “Hịch Tướng Sĩ”, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn  nêu gương các trung thần nghĩa sĩ đã xả thân cứu lấy quê hương. Ngài cũng kể tội của giặc xâm lược, nêu cao lòng tự hào dân tộc. Các tướng sĩ chỉ có một con đường là quyết tâm diệt giặc để bảo vệ đất nước. Bên cạnh bài hịch này, Ông đã viết cuốn “Binh Thư Yếu Lược” là những điều cốt yếu được tuyển chọn từ các binh thư của các nhà quân sự để dạy các tướng sĩ cách dụng binh, cuốn sách này nay đã thất truyền.

 

           (Xem thêm: nguyên văn chữ Hán bài “Dụ Chư Tỳ Tướng Hịch Văn” và bản dịch “Bài hịch dụ các Tỳ Tướng” của Ngô Tất Tố trong quyển Văn Học đời Trần, Hà Nội: Mai Lĩnh, 1942. Saigon: Khai Trí in lại, 1960. USA: Đại Nam in lại, 1980; tr. 104 – 120).

 

 

*Trần Quang Khải (1241 – 1294)

 

 

 

*-Bài Tòng giá hoàn kinh

 

Tòng giá về kinh (còn được gọi là Tụng giá hoàn kinh sư, có nghĩa là Phò vua về kinh) là một bài thơ do Trần Quang Khải (1241-1294) viết sau khi quân dân nhà Trần chiến thắng quân Nguyên lần thứ hai. Bài thơ‎ nói về cảm xúc một vị tướng trên đường theo xa giá vua Trần Nhân Tông và Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông trở về kinh đô, đồng thời ca ngợi đội quân nhà Trần trong việc bảo vệ non sông đất nước. Hiện còn hai bản dịch lưu truyền, một của Trần Trọng Kim, một của Ngô Tất Tố .

 

 -Nguyên văn chữ Hán:

 

 

 

-Phiên âm Hán Việt:

 

 

Tòng giá hoàn kinh

 

Đoạt sáo(1) Chương Dương độ(2)

Cầm Hồ Hàm Tử quan(3)

Thái bình tu trí lực

Vạn cổ thử giang san

 

Chú Thích:

(1)- Đoạt sáo: cướp giáo, ý chỉ việc đi đánh giặc.
(2)- Chương Dương độ: bến đò Chương Dương, nơi Trần Quang Khải đánh Thoát
     Hoan.
(3)-Hàm Tử quan: ải Hàm Tử, nơi Trần Nhật Duật phá quân Toa Đô.

 

 

 

 

-Dịch nghĩa:

 

            Phò vua về Kinh

 

Cướp giáo giặc ở bến Chương Dương,
Bắt quân Hồ ở ải Hàm Tử.
Thời thái bình nên gắng hết sức,
Muôn đời giữ vững giang san.

 

 

-Dịch thơ 1:

 

       Phò vua về Kinh.

 

 

Chương Dương cướp giáo giặc,

Hàm Tử bắt quân thù.

Thái bình nên gắng sức,

Non nước ấy ngàn thu.

(
Trần Trọng Kim dịch)

 

 

 

-Dịch thơ 2:

 

           Phò vua về Kinh.

 

Bến Chương cướp giáo giặc,

Ải Hàm bắt quân Hồ.

Thái bình nên gắng sức,

Non nước vẫn muôn thuở.


(
Ngô Tất Tố dịch)

 

 

 

                 2.-Phú:

                          Phú là một thể văn vần, có từ thời nhà Hán nhưng thể phú thông dụng nhất ở Việt Nam là loại phú được đặt ra từ đời Đường nên còn gọi là Đường phú.

                          Văn học thời Trần có bài phú viết bằng chữ Hán và có bài phú viết bằng chữ Nôm/ chữ Quốc âm:

                              -Lê Quý Đôn còn để lại 13 bài phú chữ Hán trong Quân hiền phú tập.
                              -Trương Hán Siêu với bài Phú sông Bạch Đằng: ca ngợi chiến công lịch sử và đề cao tinh thần dân tộc.

                            Nội dung các bài phú nói chung đều bàn đến chính trị, xã hội, đạo lý Nho gia: tu, tề, trị và bình.

 

                  3.-Văn sử ký:

 

                         a.-Văn sử ký viết trong nước:

 

                                -Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu viết xong vào năm 1272, viết theo phương pháp biên niên, ghi chép từ Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng (1207 đến 1224). Bộ sử này đã thất lạc.Nay chỉ còn một số trích văn trong cuốn Đại Việt Sử Ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, cuốn này viết bằng chữ Hán dưới thời Lê Thánh Tông, ghi chép lịch sử Việt Nam từ đời Kinh Dương Vương năm 287 tr. CN đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông nhà Hậu Lê.

 

                       b.-Văn sử ký do người Việt viết ở nước ngoài/ bên Trung Hoa:

 

                                 1.-Việt Sử Lược, tác giả khuyết danh, còn có tên là Đại Việt Sử Lược, viết vào khoảng năm 1377 – 1388, viết bằng chữ Hán, ghi chép từ thời Triệu Đà đến Lý Chiêu Hoàng, viết theo lối biên niên, cuối sách có phụ lục niên hiệu các vua đời Trần, bản Hán văn được lưu trử bên Trung Hoa, còn lưu truyền cho đến nay.
                                  Bộ sách Việt Sử Lược  gồm có 3 tập:

                                           -Tập 1: từ thượng cổ đến nhà Tiền Lê (   - 1009).
                                           -Tập 2: từ Lý Thái Tổ (1009 – 1028) đến Lý Nhân Tông
                                                        (1072 – 1127).
                                           -Tập 3: từ Lý Thần Tông (1127 – 1138) đến Lý Huệ
                                                       Tông (1211 – 1224).
                                           -Phụ bản (b): chép niên hiệu các vua nhà Trần.       

 

                                   Có hai  dịch giả quyển Việt Sử Lược:

 

                                              1.- do Trần Quốc Vượng dịch và chú giải, Hà Nội: NXB Khoa Học Xã Hội, 1983.

                                              2.-do Nguyễn Gia Tường dịch, HCM: NXB TP HCM, 1993.Chuyển sang ấn bản điện tử bởi Công Đệ và Lê Bắc, 2001.

 

                                 2.-An Nam Chí Lược  安南志略  (Sơ lược về An Nam/Việt Nam) của Lê Tắc ( ? - ?), đây là một tư sử tức là quyển sử do tự Lê Tắc viết mà không phải do lệnh của triều đình, sách sử do các sử quan viết theo lệnh của triều đình gọi là chính sử, bộ sách sử này được viết bằng văn xuôi chữ Hán  vào năm 1335 tại Trung quốc (vào đời Trần ở Việt Nam, vào đời Nguyên ở bên Tàu),  nội dung sách ghi chép hỗn hợp về địa lý, lịch sử, văn hóa, v.v... của An Nam  viết từ thời bắt đầu đến cuối đời Trần, bộ sử này gồm có 20 quyển, nhưng quyển thứ 20 bị thất lạc, nay chỉ còn 19 quyển:

                       Bản dịch tiếng Quốc ngữ do Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, 1960.
                   Lời giới thiệu của L.M Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, 22 tháng 4 năm 1960.
                   Nhà xuất bản: Viện Đại Học Huế,1961.
                      Chuyển sang ấn bản điện tử bởi: Công Đệ, Doãn Vượng, Lê Bắc, 2001
                      Nguồn:  Viện Việt Học website đăng lại.
                      Hiện nay ở Việt Nam đã có bản dịch mới, được hiệu đính và chú thích, đã xuất bản gồm cả phần chữ Hán và chữ Quốc ngữ.

 

                  4.-Truyện Ký

 

                          Truyện ký là một thể loại thuộc loại truyện kể gồm ba thể truyện, sử và bi ký. Trong truyện kể, chúng ta thấy bắt đầu hình thành một cốt truyện, tình tiết hoặc đơn giản hay phong phú.Các dạng truyện ký trong văn học nhà Trần như thực lục, hành trạng, truyền đăng v. . .v. . .

 

                          a.-Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục, tác giả: khuyết danh, chép sự tích các thiền sư nước ta từ đời Trần trở về trước.

 

                          b.-Tam Tổ Thực Lục, tác giả: khuyết danh, ghi chép sự tích ba vị tổ của phái thiền Trúc Lâm: 1.-Điều Ngự Trần Nhân Tông (Đệ nhất tổ); 2.-Pháp Loa (Đệ nhị tổ); 3.-Huyền Quang (Đệ tam tổ) , cùng với nhiều bài thơ của ba vị này.

 

                          c.-Việt Điện U Linh, tác giả: Lý Tế Xuyên, ông là một danh sĩ (khoảng cuối thế kỷ 13 đến đầu thế kỷ 14). Tựa có nghĩa: - Việt điện là cõi đất quanh kinh thành nước Việt; - u linh là linh thiêng, sách ghi chép những gương sáng về tinh thần yêu nước, thương dân của các vị thần ở các đền miếu trong kinh thành và vùng phụ cận, xuất bản khoảng năm 1329.

 

                          d.-Lĩnh Nam Chích Quái, tác giả: Trần Thế Pháp, ông là một danh sĩ đời nhà Trần. Tựa sách có nghĩa là chọn lựa những truyện quái dị ở đất Lĩnh Nam. Sách ghi chép các truyền thuyết và cổ tích dân gian Việt Nam. Sách này đã thất lạc.

 

                          e.-Nam Ông Mộng Lục, tác giả: Lê Trừng tức Hồ Nguyên Trừng viết ở bên Tàu. Tựa có nghĩa là những giấc mộng của Nam ông (Nam ông = ông già nước Nam). Ông là con trưởng của Hồ Quý Ly. Sau cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược thất bại, cha con họ Hồ bị bắt sang Tàu. Sách có nội dung ghi chép những chuyện lịch sử và văn hoá xã hội nước ta. Tác giả ghi lại những con người tài đức ở nước Nam mà tác giả không còn được nhìn thấy nữa, nên ông coi đó như là một giấc mộng; ông lấy ý nghĩa này mà đặt tên cho tựa quyển sách. Sách gồm có 28 truyện ngắn các chuyện tự sự linh động và ngắn gọn. Tuy sáng tác ở bên Tàu, nhưng tác giả - Hồ Nguyên Trừng- đã ghi lại những tình tự dân tộc nên có thể liệt kê tác phẩm này vào nền văn học đời Trần.

                                 Một tình trạng tương tự: sau năm 1975, tại hải ngoại, có nhiều tác phẩm được người Việt Nam sáng tác bằng tiếng Việt, hoặc bằng tiếng Anh, Pháp . . .; nếu tác phẩm nào nói lên tình tự dân tộc, biểu hiện được linh hồn dân tộc và tình thần mến yêu dân tộc, thì dù diễn tả bằng Việt ngữ, Anh hay Pháp ngữ … đi nữa, các tác phẩm đó đều xứng đáng được xếp vào dòng văn học hải ngoại trong kho tàng văn học Việt Nam.

 

                 5.-Văn bia:

 

                         Văn bia thời Lý thường ca ngợi cảnh đẹp của chùa chiền, công trạng của vua chúa và các quan đại thần.Như Ngưỡng Sơn Linh Xứng Tự Bi Minh (nghĩa là: Tấm văn bia tại chùa Linh Xứng ở trên núi Ngưỡng Sơn) của thiền sư Hải Chiếu đã ca ngợi vị anh hùng xuất chúng Lý Thường Kiệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

 

                        Nhưng ngược lại, văn bia thời Trần có nhiều cái chỉ trích các tệ nạn mê tín, dị đoan của Phật giáo trong đời sống xã hội vào thời bấy giờ. Như Trương Hán Siêu trong bia Dục Thuý Sơn Linh Tế Tháp Ký (nghĩa là Bài ký ở tháp Linh Tế trên núi Dục Thuý) đã lên án sự hủ hoá của Phật giáo.

 

                6.-Văn nghị luận:

 

                          a.-Về Phật học:

 

                                1.-Khoá Hư Lục của vua Trần Thái Tông, chủ trương sanh, lão, bệnh, tử là quy luật tự nhiên, không ai tránh khỏi. Vua phản đối lối tu khổ hạnh, vua quan niệm mọi sinh hoạt hằng ngày như; nói, yên lặng, động, tỉnh, ăn, uống, ngủ, bài tiết đều đúng với lời Phật dạy, dứt bỏ các điều này là cái sai lầm.

 

                                2.-Thiền Tông Chỉ Nam của vua Trần Thái Tông, chủ trương Phật giáo và Nho giáo có chỗ khác nhau nhưng có thể dung hợp với nhau.

 

                                3.-Tham Thiền Yếu Chỉ của Đệ nhị tổ Pháp Loa soạn năm 1322 theo lời yêu cầu của Thái Thượng Hoàng Trần Minh Tông.

 

                         b.-Về Nho học:

 

                                1.-Tứ Thư Thuyết Ước của Chu An / Chu Văn An, thuyết về đạo Nho, nay không còn.

 

                                 2.-Minh Đạo Lục do Hồ Quý Ly viết năm 1392. Hồ Quý Ly rất tôn sùng đạo Nho nhưng tư tưởng rất phóng khoáng. Nội dung sách này là ông đánh giá lại địa vị của Khổng Tử, ông khen Chu Công hơn Khổng Tử. Ông phê phán các thánh hiền Nho giáo của Trung Hoa, ông cho các bậc hiền triết Trung Hoa học rộng nhưng không chú trọng đến thực tế. Thái độ bài bác cổ nhân của Hồ Quý Ly khiến cho các Nho gia đương thời thù ghét ông.

 

                          c.-Về binh học:

 

                               Binh Thư Yếu LượcVạn Kiếp Tông Bí Truyền Thư  của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, nay không còn.

 

                  7.-Nghề hát tuồng:

 

                           TuồngChèo đã ra đời vào thời Trần.

                           Trong thời chống giặc Nguyên Mông Cổ, nhà Trần có bắt được một người Trung Hoa tên là Lý Nguyên Cát, ông này xin ở lại nước ta. Ông đã viết truyện và dạy lối hát tuồng cho người Việt. Lúc đầu toàn là tuồng Tàu, kế đó tuồng được dịch ra tiếng Việt để người bình dân có thể hiểu được. Tuồng chịu ảnh hưởng Trung Hoa rất nhiều trong cách diễn xuất, chủ đề, lời đối đáp. Đã có nhiều buổi hát tuồng diễn ra ở trong cung đình, nhiều vua, quan rất thích. Nhà Trần đã du nhập nghề hát tuồng từ đó.

 

                          Chèo có xuất xứ từ tuồng. Có lẽ do các Nho sĩ sống trong dân gian sáng tác. Chèo được gây cảm hứng từ tuồng, nhưng đề tài gần gủi với đa số dân chúng như đề tài về lịch sử, thần thoại, truyện kể và đời sống xã hội Việt Nam.

 

                          

II.-Các sáng tác viết bằng chữ Nôm:

 

                  1.-Định nghĩa chữ Nôm:

 

                               Chữ Nôm được hình thành dựa trên cơ sở của chữ Hán để ghi tả tiếng nói của người Việt Nam. Chữ Nôm là một thứ chữ xuất hiện sớm trong lịch sử của dân tộc ta, có lẽ vào thời Triệu Đà (năm 207 - 111 trước Tây lịch), nhưng mãi đến đời Trần, Hàn Thuyên và các nhà làm văn thơ chữ Nôm mới đặt ra các nguyên tắc cấu tạo nên chữ Nôm một cách rõ rệt.

          Chữ Nôm có hai loại: chữ Nôm-Việtchữ Nôm-Tày. Chữ Nôm-Việt được sử dụng bởi người Việt ở miền đồng bằng, tất cả những tác phẩm viết bằng chữ Nôm ở trong văn học Việt Nam đều dùng chữ Nôm-Việt. Chữ Nôm-Tày được sử dụng bởi người miền núi là các dân tộc Tày, Nùng, nhiều tác phẩm và thơ văn dân gian của họ được ghi chép bằng tiếng Nôm-Tày.

          Chữ Nôm là thứ chữ dân tộc của ta đã được dùng trong gần mười thế kỷ, mãi đến gần đây, cuối thời Pháp thuộc nó mới trở thành, cũng như chữ Hán, một thứ cổ tự không dùng trong đời sống hàng ngày nữa.”
                (Đào Duy Anh, Chữ Nôm: Nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1973, tr. 9)

          Theo Gs Phạm Văn Diêu:

             “Hiện nay, dõi theo dòng lịch sử trước đời Trần để tìm dấu tích chữ Nôm, ta chỉ biết hai điều này là đích thực:

                   1.-Vào thế kỷ thứ VIII, chữ bố là cha, chữ cái là mẹ là tiếng Nam thuần tuý được dân gian dùng đặt danh hiệu truy tôn Phùng Hưng  sau khi Người mất, ấy là: Bố Cái Đại Vương để tỏ lòng ái mộ đối với Người là một vị anh hùng cứu quốc đã đánh tan quân đô hộ Tàu năm 791.

                   2.-Đến thế kỷ thứ X, vua Đinh Tiên Hoàng sáng nghiệp nhà Đinh, từng ghép một tiếng Nam là cồ trong tên đặt quốc hiệu nước ta vừa độc lập: Đại Cồ Việt.

                       Những chữ bố cái trong Bố Cái Đại Vương, cồ trong Đại Cồ Việt đều là chữ nôm trong những tôn hiệu, danh hiệu trọng đại, tất phải có chữ để viết, mà chữ ấy là chữ nôm. Vậy thế kỷ thứ VIII và thế kỷ thứ X đã có chữ nôm.

                       Sự thực, bút tích, nguyên thư, nguyên bản văn nôm đời Trần đã mất mát, tàn huỷ từ xưa trước. Song những sách sử cũ từng biên chép về các nhà làm thơ phú nôm đầu tiên, tức là cũng đã tỏ sự thông dụng của chữ nôm trong đời Trần. Vả lại, nay có số tác phẩm truyền là của đời Trần cũng có thể tin được. Thêm vào đó, là hiện ta còn một tự tích cụ thể, chắc chắn và cổ nhất về chữ nôm đời Trần là tấm bia đề năm Thiệu Phong thứ III (1343) đời Trần Dụ Tông, trên có khắc chừng 20 tên xã thôn bằng chữ nôm,tìm thấy ở Hộ Thành sơn, tỉnh Ninh Bình. Hơn nữa, từ thế kỷ XIX đến nay vẫn hãy còn giữ được áng thơ nôm xưa cổ nhất là Quốc âm thi tập của Nguyễn Trải, người Trần mạt và Hậu Lê. Ta có thể nói rằng sự thông dụng, phát đạt cho chữ nôm trong một đời Trần đã là một biểu hiện của tinh thần độc lập của dân tộc ta đang ở vào một thời kỳ toàn thịnh, dồi dào, oai hùng, và đó là tất cả ý nghĩa lịch sử của chữ nôm, văn nôm.”

  (Phạm Văn Diêu, Văn học Việt Nam, quyển Thượng, Saigon: Tân Việt, 1960. USA: NXB Xuân Thu in lại, 1993)

                 2.-Những nhà thơ Nôm đầu tiên:

                                a.-Nguyễn Thuyên / Hàn Thuyên đã đậu Thái Học Sanh vào đời vua Trần Thái Tông (1225 – 1282), có tài làm thơ phú bằng chữ Quốc âm / chữ Nôm, gây thành phong trào thơ Nôm.

                                      Theo sách sử Xưa thì vào tháng 8 năm 1282 dưới đời Trần
Nhân Tông, có con cá sấu đến sông Phú Lương (tức sông Nhị Hà). Vua Trần Nhân Tông sai quan Hình Bộ Thượng Thư là Nguyễn Thuyên làm bài văn ném xuống sông. Cá sấu liền đi. Vua thấy giống sự tích Hàn Dũ bên Tàu, nên ban cho Nguyễn Thuyên họ Hàn, do đó nhiều người còn gọi ông là Hàn Thuyên. Nhưng không thấy sử chép là bài văn viết theo thể nào và viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm.

                               b.-Nguyễn Sĩ Cố làm Nội Thị Học Sĩ đời Trần Thánh Tông (1258 – 1278) có tài làm thơ phú Quốc âm. Tác phẩm của ông đã thất truyền.

                               c.-Vua Trần Nhân Tông sáng tác bài thơ phú Cư trần lạc đạo (nghĩa là Vui đạo ở cõi trần) theo quan niệm của phái Thiền tông, và bài Đắc thú lâm truyền thành đạo.

                               d.-Chu An/ Chu Văn An (? – 1370) là một danh nho đời Trần, ông rất có uy tín. Sau khi từ quan, ông về nhà đọc sách, mở trường dạy học, đề cao Khổng Mạnh, bài xích mê tín dị đoan và tà thuyết. Ông có nhiều người học trò giỏi, có vị làm quan lớn như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát. Vua Trần Minh Tông (1314 – 1329) nghe tiếng thơm của ông, bèn cho vời vào Kinh làm Quốc tử giám Tư nghiệp để dạy các Thái Tử.

                                     Chu Văn An, tên thật là Chu An, là một nhà giáo, thầy thuốc, quan viên Đại Việt cuối đời Trần. Sau khi mất, ông được vua Trần phong tước Văn Trinh Công nên đời sau quen gọi ông là Chu Văn An hay Chu Văn Trinh.

                                 e.-Hồ Quý Ly không những là một anh hùng lỗi lạc về chánh trị, kinh tế, quân sự mà còn rất giỏi về văn học nghệ thuật. Ông rất sùng đạo Nho. Thơ văn Hồ Quý Ly bị thất truyền.

              Hiện nay các sáng tác bằng chữ Nôm dưới thời Trần còn lại rất ít.

 

                3.-Một số tác phẩm được phỏng đoán đã xuất hiện vào thời Trần và Hậu Trần như sau:

                                 a.-Truyện Trê Cóc
                                           Tác giả là một ẩn sĩ đã giận việc Thái sư Trần Thủ Độ cưỡng bách vua Trần Thái Tông, vì chưa có con, phải lấy chị dâu là Thuận Thiên Công Chuá, vợ của Trần Liễu, khi ấy đang có thai để lấy con của anh còn trong bụng mẹ làm con mình, nên ông đã viết nên áng văn này:

                                     “Tuy cùng một kiếp phù sanh,
                                  Giống nào giống ấy tranh giành làm chi.”

                                        (Lời Nhái Bén bảo Cóc)

                                .  .   .  .  .   .  .   .    .   .    .    .     .  

                   Kết luận ở cuối truyện:

                                   “Ngẫm xem thế sự nực cười,
                                Cũng là dở một trò chơi đấy mà.”

                                        (Truyện Trê Cóc)

                    Truyện có 398 câu thơ theo thể lục bát, hai nhân vật là con cá Trê và con Cóc, được đặt cho đề của truyện. Đây là tập thơ ngụ ngôn. Truyện Trê Cóc đã phản ảnh thực trạng của xã hội phong kiến thời đó: cường hào, ác bá, quan lại sách nhiểu . . .

                                 b.-Truyện Vương Tường

                                        Truyện được viết bằng thơ Đường luật, tác giả: khuyết danh, có 49 bài thơ.

                                         Vương Tường tức là Vương Chiêu Quân, một cung nữ đời Hán Nguyên Đế (48 – 33 tr. CN). Nàng cậy mình có nhan sắc xinh đẹp nên nàng không đút lót tiền cho họa công Mai Diên Thọ, vì vậy Mai Diên Thọ thù ghét và vẽ hình nàng xấu đi để dâng lên nhà vua. Do đó nàng không được vua để ý tới. Năm 33 tr. CN, chúa Hung Nô yêu cầu vua Hán gả người đẹp. Vua Hán hứa gả Vương Tường cho chúa Hung Nô. Trước khi vĩnh biệt, nhà vua cho vời Chiêu Quân lên bệ kiến, mới biết nàng là một trang tuyệt sắc giai nhân, và biết rõ Diên Thọ lừa dối vua. Nhà vua toan giữ Vương Tường lại, nhưng triều thần can gián. Nàng phải từ giả đất Hán để về đất Hồ ở phương Bắc. Sau khi nhập cung chúa Hung Nô, Vương Tường tự vận. Các văn nghệ sĩ Trung Hoa thường làm văn thơ ca nhạc vịnh nàng Chiêu Quân cống Hồ.

                                     Truyện Vương Tường lấy việc Chiêu Quân cống Hồ làm đề mục để chỉ trích việc vua Trần Anh Tông đem công chúa Huyền Trân gả cho vua Chiêm Thành vào năm 1306.

                                     Thi nhân khóc giai nhân Chiêu Quân để khóc cho Công chúa Huyền Trân: “Nước non ngàn dặm ra đi. Mối tình chi, mượn màu son phấn.                                Đền nợ Ô, Li . . . vàng lộn theo chì”.

                                     Cảnh nàng Vương Tường tự vận:

                                         “Quanh rường một bức khăn lá rủ,
                                           Treo nguyệt ba canh, bóng quế cao.
                                           Gương đã lạnh lùng mờ cẩm trướng,
                                           Châu còn thắm thoát quen la bào.”

                                     Trong dân gian đã có câu ca dao châm biếm cuộc hôn nhân này:

                                      Tiếc thay cây quế giữa rừng,
                                   Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo.”

 

                                  c.-Truyện Trinh Thử

                                           Trinh thử có nghĩa là con chuột biết giữ trọn tiết trinh, (thử = con chuột). Truyện viết theo thể lục bát, tác giả là Hồ Quyền Qui.
                                           Đây là truyện ngụ ngôn, có hai nhân vật chính là chuột Bạch chuột Đực. Chuột Bạch, goá chồng, tượng trưng cho lòng dạ kiên trinh, chánh đạo. Còn chuột Đực tượng trưng cho hạng tà dâm gian trá.

                                            Tác giả ám chỉ Hồ Quý Ly, lúc ấy làm Thủ Tướng, theo cái nhìn của tác giả thì Hồ Quý Ly là một kẻ đa nghi, nịnh tặc,tàn bạo, tham lam qua lời chuột Bạch:

                                      “Làm người mang tính hồ nghi,
                                  Thấy người cốt ngạnh chẳng vì chẳng yêu.
                                        Vẫy vùng ếch giếng tự kiêu,
                                   Tham lam chẳng khác Lý Miêu đời Đường.
                                        Bệ rồng gác phượng tấc gang,
                                   Quen lòng khuyển mã toan đường dong thân.
                                        Nở làm đố quốc hại dân,
                                   Những phần ích kỷ nào phần ích ai.”

 rồi đề cao hình ảnh đình chủ tức là Hồ Sinh, tác giả, trong những nét cao đẹp, thanh thoát:

                                      “Sao bằng đình chủ thiếp nay,
                                   Ba gian oa xá tháng ngày tiêu dao.
                                       Chẳng lo đuổi thỏ săn hươu,
                                   Rồng còn uốn khúc ở ao đợi thì.”

           Truyện Trinh Thử được viết vào cuối thời Trần, khi Hồ Quý Ly chưa cướp ngôi vua.

Nhận xét: Tác giả, Hồ Quyền Qui, đã lấy quan niệm trung quân ái quốc của Tống Nho để chỉ trích Thủ Tướng Hồ Quý Ly. Thật ra, Hồ Quý Ly là bậc có tài về chánh trị, kinh tế, quân sự. Như đã trình bày, Hồ Quý Ly đã ra lịnh phát hành tiền giấy lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế tài chánh của nước ta.

                                d.-Nghĩa sĩ truyện:

 
       
                                Tác giả là Hoàng Trừng, cháu ngoại của Nguyễn Biểu, chép lại sự kiện lịch sử của sứ bộ Nguyễn Biểu.

                                        Năm 1413, vào thời Hậu Trần, vua Trần Quí Khoáng thua nhiều trận, nên kéo quân chạy vào Hoá Châu. Trong lúc tình hình nguy cấp, vua sai Nguyễn Biểu đem phẩm vật đến cầu phong tướng nhà Minh là Trương Phụ đang đóng quân ở Nghệ An. Nguyễn Biểu đã mắng tướng Minh là đồ cướp bóc, ngang ngược. Trương Phụ tức giận ra lệnh đem chém ông.

 

III.-Kết luận về văn học thời Trần - Hậu Trần:

           Chúng ta có thể ngạc nhiên rằng Trần Thủ Độ  xuất thân là một anh thuyền chài không có học vấn đã khai sáng nên sự nghiệp đế vương cho nhà Trần, nhưng lại có những chánh sách phát triển giáo dục để đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước Đại Việt.

         Về mặt sáng tác cũng như nhân tài, thời Trần - Hậu Trần đã vượt xa thời Lý, văn học thời Trần tiếp tục và có nhiều bước tiến bộ rõ rệt hơn so với văn học thời Lý. Trong thời Trần - Hậu Trần có sự tiến triển không ngừng của văn chương Quốc âm, khởi đầu cho nền văn chương Quốc âm trong lịch sử văn học Việt Nam.

         Qua các tác phẩm thời Trần - Hậu Trần chúng ta thấy có các đặc điểm sau đây:

                 1.-Về ngôn từ: chữ Nôm / chữ Quốc âm không những là lợi khí cho việc sáng tác mà còn là phương tiện truyền bá học thuật. Hồ Quý Ly đã xác nhận tính phong phú của chữ Quốc âm, và ông đã quyết định xây dựng một nền quốc học. Điều này thể hiện tinh thần tự cường của dân tộc muốn thoát ly ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa. Tinh thần thoát Trung đã ăn sâu vào tiềm thức của dân tộc Việt Nam từ đó.

                  2.-Về thể cách: các thi nhân đời Trần - Hậu Trần sử dụng lối thơ lục bát của dân tộc để viết các loại truyện, họ còn sử dụng thể Đường luật của Trung Hoa để ngâm vịnh.

                3.-Về nguồn cảm hứng: thi nhân đời Trần  - Hậu Trần đã dung hoà hai nguồn cảm hứng: - một nguồn cảm hứng từ thực tế của dân tộc có tính cách như lời nói của người bình dân; -  một nguồn cảm hứng từ thư tịch của Trung Hoa, các tác giả Việt Nam thâu thập những yếu tố thanh lịch và hàm súc của văn chương Trung Hoa.

                4.-Về Khuynh hướng: nội dung thi văn thời Trần - Hậu Trần có khuynh hướng trực tiếp hoặc gián tiếp phản ánh những biến cố lịch sử, hoặc xã hội, hoặc chuyển tải đạo lý.

                   Nội dung nỗi bật nhất là những bài thơ yêu nước, đó là tiếng nói bất khuất của dân tộc Đại Việt. Các tác giả đã nói lên cái hào khí Đông A của một thời đại đã 3 lần chiến thắng giặc xâm lược Nguyên Mông.

                   Như đã trình bày, vào thời Trần, Phật giáo đã nhường bước cho Nho giáo. Nhưng Phật giáo vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm trong hàng vua chúa, nhiều nhà vua đã xuất gia đi tu. Vua Trần Nhân Tông đã khai sáng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

                  Văn học thời Lý có 74 tác giả, văn học thời Trần có 89 tác giả. Thời Lý có 40 tác giả là các thiền sư, nhưng thời Trần chỉ có vài thiền sư như Pháp Loa, Huyền Quang. Như vậy, trong văn học thời Lý các tác giả hầu hết là các nhà sư, còn trong văn học thời Trần thì ít hơn.

                 Tư tưởng Phật giáo chủ yếu trong văn học thời Trần là tư tưởng Thiền học. Trong quyển tư tưởng Phật giáo trong văn học thời Trần, chúng tôi sẽ tìm hiểu tư tưởng thiền học của vua Trần Thái Tông, tư tưởng thiền học của Tuệ Trung Thượng Sĩ, Tư tưởng thiền học của vua Trần Nhân Tông với thiền phái Trúc Lâm – Yên Tử.

 

Toronto, ngày 7 tháng 8 năm 2020.

      Nguyễn Vĩnh Thượng